Phiên chất vấn ngày 18/12, kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 “nóng” khi các đại biểu chất vấn những bất cập trong việc phát triển du lịch TP. Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Bá Cảnh chất vấn Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: “Nhiều cuộc họp, Giám đốc Sở rất vui mừng báo cáo lượng khách đến với thành phố ngày một tăng. Tuy nhiên, tôi mong muốn Sở chỉ ra những giải pháp ngành du lịch đem lại trong thời gian vừa qua”.
Các đại biểu cũng cho rằng, du lịch thành phố phát triển chưa xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch đường sông.
“Thực tế, du lịch đường sông Đà Nẵng chỉ quẩn quanh trên mấy chục chiếc tàu chứ chưa có sản phẩm, dịch vụ đặc trưng để thu hút du khách”, đại biểu nêu.
Trả lời chất vấn về việc này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, những năm qua, sự phát triển của ngành du lịch thành phố rất đáng để ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Du lịch phải tập trung nghiên cứu phát triển thêm du lịch đường sông, bởi hạng mục này chưa phát triển đúng tầm.
Đặc biệt, ông Trung đề cập đến ý tưởng khơi thông sông Cổ Cò để kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam. Đây là ý tưởng được cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đưa ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được.
“Ban Thường vụ Thành ủy đang làm việc với tỉnh Quảng Nam về tuyến sông Cổ Cò. Nếu được khơi thông và thiết kế đẹp thì nhà đầu tư sẽ tự nhảy vào, không cần phải dùng ngân sách để đầu tư vài ba cái cầu tàu nhỏ bé, không đáng kể”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, để du lịch phát triển, thành phố phải đầu tư rất lớn và đương nhiên chúng ta phải xem thu lại được bao nhiêu?
“Vừa qua, một tập đoàn của Singapore dự kiến làm mấy bến du thuyền đẳng cấp. Không phải cái kiểu mấy ông làm mấy con tàu lôm côm đi lên đi xuống bến lấy mấy đồng bạc lẻ. Làm du lịch không lấy tiền lẻ như thế. Bến du thuyền, trên phải có nhà triệu đô, ở dưới phải có du thuyền triệu đô”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Nho Trung cho rằng, để thực hiện được kế hoạch trên phải có nguồn lực. Ở đây, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng định hướng nguồn lực thực hiện từ nguồn xã hội hóa.
“Sắp tới, sẽ làm lại quy hoạch thành phố, ngành du lịch xem lại thử nguồn lực sông, biển, núi của mình. Xem chỗ nào được thì mình làm cho tốt và tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Từ đó mình công khai minh bạch dự án để nhà đầu tư nhảy vào làm, không nên nghĩ đến ngân sách. Hiện tiền trong dân còn rất nhiều nhưng họ không làm, doanh nghiệp họ có nhưng họ cũng không dám làm”, ông Trung nói.
Ý tưởng khơi thông sông Cổ Cò được ông Nguyễn Bá Thanh đề cập đến trong cuộc họp HĐND TP. Đà Nẵng năm 2012.
Cuối năm 2012, tại Palm Garden Resort (Hội An), chính quyền của Quảng Nam và Đà Nẵng gặp nhau, quyết tâm xúc tiến dự án khơi thông sông Cổ Cò, thống nhất ranh giới, cắm mốc thực địa và chọn nhà đầu tư tham gia các hạng mục nạo vét.
Về cơ bản, quy hoạch theo hướng bám sát hiện trạng, chiều rộng dòng sông đoạn hẹp nhất 90m, rộng nhất 160m.
Tháng 3/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò qua địa phận tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến 625 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm (2013-2015), chia thành 3 hợp phần đầu tư.
Chính quyền Đà Nẵng đang chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nạo vét sông với chiều dài toàn tuyến là 8,5km. UBND thành phố cũng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An, Quảng Nam (đoạn 300m tính từ phía Đà Nẵng) với tổng mức tư hơn 8,5 tỷ đồng theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao).
Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn, đến nay việc khơi thông sông Cổ Cò vẫn chưa thành hiện thực.
Bình luận