• Zalo

Du lịch đường biển sẽ tạo nét khác biệt cho du lịch Cà Mau

Thời sựThứ Ba, 10/12/2019 14:36:00 +07:00Google News

Tại buổi tọa đàm "Kết nối và hợp tác phát triển du lịch Cà Mau", nhiều ý kiến cho rằng Cà Mau cần phát triển du lịch đường biển để tạo khác biệt ở ĐBSCL.

Sáng 10/12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi tọa đàm “Kết nối và hợp tác phát triển du lịch Cà Mau” - sự kiện nằm trong Tuần Văn hóa du lịch mũi Cà Mau 2019. 

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, mục đích buổi tọa đàm là kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa Cà Mau với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan, Campuchia.

ket-noi-du=lich-duong-bien

 Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Peerapol Triyakasem - Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch công ty Du lịch Virgo Solution - cho rằng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại Cà Mau còn hạn chế, đặc biệt là về giao thông, nên khó thu hút được du khách.

Mất rất nhiều thời gian để đến được Cà Mau. Đó là lý do số du khách nước ngoài đến Cà Mau còn hạn chế. Việc phát triển cơ sở hạ tầng phải được chú trọng để rút ngắn thời gian này. Tôi biết tỉnh đang có dự án mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và nhắm tới du lịch đường biển. Phát triển du lịch đường biển không dễ dàng nhưng Cà Mau có một số điểm thuận lợi để làm tốt trong tương lai. 

Du lịch hàng hải có chi phí thấp hơn nhiều so với du lịch hàng không. Tôi đề xuất ý tưởng hình thành bến cảng không chỉ phát triển du lịch mà còn phục vụ sản xuất đánh bắt thủy sản. Tôi hy vọng không bao lâu nữa Cà Mau sẽ đón được tàu du lịch lớn”, ông Peerapol Triyakasem nói.

ket-noi-du=lich-duong-bien-02

Ông Peerapol Triyakasem tại buổi tọa đàm.

Theo ông Phan Đình Huê – Giám đốc Công ty du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát trển du lịch ĐBSCL, khi Thái Lan đào kênh Kra thì Cà Mau nằm rất gần tuyến hàng hải mới.

Do đó, từ nay đến năm 2025, nên nâng cấp cảng dùng chung để đón được du thuyền loại trung bình (300 - 500 khách), đồng thời quy hoạch khu vực xây dựng cảng đón du thuyền lớn trong tương lai (tàu trên 100.000 tấn); quy hoạch đường vận chuyển và tuyến tham quan trong ngày; quy hoach dịch vụ dành cho khách du lịch tàu biển, nâng cấp sân bay.

Theo ông Huê, việc mở tuyến tàu biển sẽ gặp khó khăn về hạ tầng, vốn, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính; nhưng nếu phát triển được du lịch đường biển, du lịch Cà Mau sẽ có tạo sự khác biệt với các tỉnh còn lại ở ĐBSCL.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn