• Zalo

Du lịch Cát Bà: 150.000 đồng/đĩa rau muống

Kinh tếThứ Năm, 06/06/2013 07:19:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đi du lịch biển mùa nóng, các “thượng đế” không chỉ toát mồ hôi vì cảnh chen lấn, xô đẩy mà còn choáng với kiểu “chém” đẹp của các dịch vụ tại đây.

(VTC News) – Đi du lịch biển mùa nóng, các “thượng đế” không chỉ toát mồ hôi vì cảnh chen lấn, xô đẩy mà còn choáng với kiểu “chém” đẹp của các dịch vụ tại đây.

Mùa nóng, cũng là lúc các bãi biển được dịp ăn nên làm ra. Lượng khách đổ về các khu du lịch này quá đông, dẫn đến các khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, đi lại luôn trong tình trạng quá tải.

Đi du lịch đến thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, hàng ngàn lượt du khách phải ấm ức móc túi để trả dịch vụ kiểu “trời ơi đất hỡi”. Các dịch vụ thi nhau bắt chẹt du khách trả thêm những khoản tiền quá đắt đỏ.

tàu cao tốc
Chen nhau trên tàu cao tốc. Ảnh: Ngọc Vy 
Tại bến Bính – Thành phố Hải Phòng, vé tàu cao tốc được ấn định giá 200.000 đồng/lượt/người, tăng 50.000 đồng/lượt/người so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù bỏ tiền đắt, mua vé xịn, nhưng nhiều hành khách không khỏi bất ngờ khi có cảm giác, các chuyến tàu như kiểu “tàu chợ” vì dù có vé nhưng khách vẫn không có ghế ngồi, nhiều người phải xin thêm ghế phụ.

Anh Hải, một hành khách nhăn nhó: “Vé thì giá cao, tàu khi tàu nhanh, nhưng hóa ra là tàu chợ, chạy hơn 2 tiếng không ra đến đảo”.

Rất nhiều hành khách đi tàu cao tốc từ đảo Cát Bà về Hải Phòng chiều 2/6 đã phải bức xúc vì chủ tàu bán vé quá nhiều, trong khi sức chứa của tàu có hạn, dẫn đến cảnh nhiều hành khách phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau ngay tại bến phà.

Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch của công ty Sài Gòn Tourist kể lại, do tàu quá đông nên có trường hợp một em bé suýt nữa ngã xuống biển và xảy ra xô xát lớn, có cả công an tới để giải quyết. Vì vậy, nhiều hành khách đã bị lỡ chuyến tàu lúc 2 giờ chiều và phải chuyển chuyến 4 giờ chiều.

“Việc bến phà quá tải vào mùa du lịch là chuyện thường hay xảy ra, nhưng việc khách có vé vẫn không được lên tàu là rất khó chấp nhận. Đối với các công ty du lịch, việc khách có vé không lên được tàu vừa làm mất uy tín, hơn nữa cũng rất khó xử lý, vì có khách lên được, có khách không lên được. Việc đưa đón sẽ tốn thêm chi phí và phức tạp hơn”, một nhân viên du lịch nói.

Không chỉ quá đông đúc, hệ thống điều hòa trên tàu cũng bị hỏng, phải sử dụng hệ thống quạt máy. Chính vì thế, tình trạng nóng bức, ngột ngạt đã khiến cho nhiều người già và trẻ em rất khó chịu. Nhiều em bé do nóng quá, đã khóc thét lên trong cả chuyến đi.

Vừa bước ra khỏi chuyến tàu ngột ngạt, du khách bị ngay dàn xe ôm hùng hậu trên đảo bủa vây, cèo kéo khách đi xe.

“Anh chị ơi, đi xe ôm đi, mỗi cuốc em chỉ thu 10.000 đồng thôi” - một người lái xe ôm mời gọi rồi áp sát xe cùng những “chiến hữu” đồng nghiệp giáp lá cà mời chào khách đi xe.

Đảo Cát Bà
Đảo Cát Bà. Ảnh: Ngọc Vy 
Điều đáng nói, khi hỏi vị trí khách sạn thì các lái xe ôm này luôn miệng nói xa bến phà, ít nhất cũng 1 km. Tuy nhiên, khi đến nơi du khách mới té ngửa vì cùng lắm cũng chỉ 200 m.


“Nếu biết gần như vậy, thì cả nhà tôi đi bộ cho nhanh, đỡ tốn mấy chục ngàn đi xe ôm”, một du khách bức xúc nói.

Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên đảo Cát Bà thì cũng được tiếp thị rất chuyên nghiệp. Từ xe ôm, người bán nước đều mời chào với những lời ngon ngọt, hấp dẫn: “Nhà nghỉ giá bình dân, gần biển, tiện nghi, sạch sẽ”.

Thậm chí, có xe ôm còn sẵn sàng chở miễn phí nếu đồng ý thuê nhà nghỉ do anh giới thiệu. Theo anh này, nhà nghỉ mùa du lịch nên giá tăng chút ít, phòng rẻ nhất cũng 600.000 đồng/đêm. Nhưng có internet, truyền hình cáp và rất gần biển, nên đi lại sẽ thuận tiện.

Không chỉ mời chào nhà nghỉ, các dịch vụ ăn uống của các nhà hàng cũng cử người chờ sẵn ở bến phà để đưa card cho khách.

Theo địa chỉ của 1 nhà hàng bình dân ghi trong card, thì đây là nhà hàng đồ ăn tươi ngon nhất, giá rẻ nhất. Quán ăn khá rộng, có phòng điều hòa, khách ra vào nườm nượp. Đồ ăn trong menu khá phong phú, từ hải sản tươi sống, đến cả đồ ăn được chế biến cầu kỳ, nhưng tuyệt nhiên không thấy ghi giá của đồ ăn để khách biết.

Hai bạn trẻ vừa ăn xong, bước ra khỏi quán vừa càu nhàu: “Ăn mấy con ghẹ, một đĩa rau muống xào và 1 đĩa hấp, với 2 lon nước ngọt mà “chém” hơn triệu đồng”.

Khảo sát giá tại nhà hàng này, chúng tôi cũng không khỏi giật mình: rau muống xào 150.000 đồn/đĩa, thịt rang 140.000 đồng/đĩa, cà muối 20.000 đồng/bát, bánh mỳ lát và bơ là 30.000 đồng/đĩa (trong khi giá của gói bánh mỳ này chỉ 6.000 đồng và bơ thì khoảng 10.000 đồng/hộp)…

Ngoài dịch vụ xe ôm, các dịch vụ khác như xe điện cũng được dịp hốt bạc. Giá vé mỗi lần đi xe điện là 10.000 đồng/lượt. Giá xem phim 5D trong vòng 7 phút là 30.000 đồng/vé/người.

Có lẽ dịch vụ của Cát Bà không thiếu thứ gì, chỉ có điều khách đi Cát Bà sẽ phải chuẩn bị rất nhiều tiền để chi trả cho những khoản “trời ơi đất hỡi”. Nhiều khách rời khỏi đảo chỉ còn biết than: “Du lịch kiểu chặt chém thế này, ai dám đi nữa”.

Ngọc Vy

Bình luận
vtcnews.vn