Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ)
Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ năm 2001.
Bộ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật này, dự kiến đặt tên các điều và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 như sau:
Điều 6: Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ
Bổ sung quy định có tính nguyên tắc về tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tổ chức, bộ máy Chính phủ bao quát hết các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ; phân công, phối hợp, phân cấp quản lý giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Điều 8: Về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ
Khoản 3, bổ sung cụm từ “dự án, công trình quan trọng quốc gia” sau cụm từ “pháp lệnh”.
Khoản 4, bổ sung thêm về điều tiết kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Khoản 5, bổ sung về thực hiện chính sách và giải pháp về tiến bộ và công bằng xã hội.
Khoản 8, bổ sung về thống nhất quản lý địa danh trên lãnh thổ và vùng biển, đảo thuộc chủ quyền tài phán của Việt Nam.
Bổ sung 01 khoản quy định về: nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, tài sản công, vốn của nhà nước; quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ; quyết định phân cấp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định của các luật chuyên ngành.
Điều 14. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội
Bổ sung nhiệm vụ động viên nền kinh tế quốc dân cho quốc phòng; giáo dục quốc phòng – an ninh; phòng thủ dân sự; thực hiện lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm cho phù hợp với quy định của Luật quốc phòng năm 2005.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức hệ thống hành chính nhà nước
Bổ sung 01 khoản quy định về: “Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập”.
Điều 20. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
Bổ sung vào khoản 4 cụm từ: thành lập Ban chỉ đạo, Ban công tác…; các tổ chức hành chính, sự nghiệp dịch vụ công khác không thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho phù hợp với các văn bản quy định hiện nay.
Bổ sung 01 khoản: phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức dự phòng, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Bổ nhiệm có thời hạn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bổ sung thẩm quyền này là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt của hệ thống hành pháp giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Đại hội X của Đảng nhằm thực hiện cơ chế “Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan hành chính cấp dưới.
Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đình chỉ và bãi bỏ Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
Đình chỉ và bãi bỏ thực hiện các văn bản hành chính của các cơ quan nhà nước trái Hiến pháp, luật thuộc phạm vi chức năng quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ.
Thành lập các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chấp thuận để Hội đồng thành viên bổ nhiệm Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Điều 22. Bộ, cơ quan ngang bộ
Bỏ quy định bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp để chuyển xuống quy định ở nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ. Vì chức năng này chỉ có ở một số bộ.
Bỏ thẩm quyền ban hành “quyết định, chỉ thị” của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Điều 23. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Tại khoản 5, bổ sung thẩm quyền thành lập các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành, tổ chức sự nghiệp nhà nước không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bổ sung thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng và các chức vụ tương đương.
Tại khoản 11, bổ sung về quyết định, chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc thực hiện cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực.
Điều 31. Về cơ quan thuộc Chính phủ
Điều này sửa đổi như sau: Cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công, không có chức năng quản lý nhà nước.
Về nguyên tắc làm việc của Chính phủ
Bổ sung cụm từ: “Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân”.
Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 nêu trên có liên quan đến sửa Hiến pháp năm 1992 bao gồm các điều: 8, 56, 63, 91, 109, 112, 114, 116, 123 và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ X và dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Trí Đức - Hoàng Lan
Bình luận