• Zalo

Dự kiến học phí tăng gấp đôi: Phụ huynh than trời, lo nhiều khoản chi đầu năm

Diễn đànThứ Ba, 24/05/2022 07:54:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hầu hết phụ huynh đều lo lắng khi Hà Nội dự kiến tăng gấp đôi học phí năm học 2022 - 2023.

Nghe tin thành phố dự kiến tăng học phí bậc phổ thông lên gấp đôi từ năm học tới, chị Nguyễn Thị Thanh Liễu (43 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) rối bời và lo lắng bài toán kinh tế gia đình.

Nhà có hai con trai năm học tới sẽ lên lớp 6 và lớp 10, đồng nghĩa các khoản đóng góp sẽ tăng lên. Trong khi cả hai vợ chồng chị đều làm công chức nhà nước. Chồng chị đang làm việc tại trung tâm văn hoá quận, còn chị công tác trong UBND phường với mức lương ít ỏi, tổng thu nhập cả nhà chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Dự kiến học phí tăng gấp đôi: Phụ huynh than trời, lo nhiều khoản chi đầu năm - 1

Phụ huynh lo lắng về mức học phí dự kiến năm học 2022 - 2023. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Để đủ chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học thêm của con, hai con, vợ chồng chị phải tranh thủ bán hàng online ngoài giờ. Cũng nhờ chi tiêu tiết kiệm, bao năm qua gia đình mới bám trụ lại được ở Hà Nội.

Năm học 2021 - 2022, con trai nhỏ của chị Liễu học cấp tiểu học được miễn học phí, chỉ phải đóng một số khoản tiền xã hội hoá, hoạt động ngoại với chi phí không nhiều, mọi thứ đều dồn cho đứa lớn học thêm, ôn thi vào lớp 10. Tuy nhiên, bước sang năm học sau, hai con đều học đầu cấp, tiền học sẽ tăng lên rất nhiều, chưa kể các khoản tiền xã hội hoá phải đóng như: tiền điều hoà, máy chiếu, trang thiết bị thông minh phục vụ việc học...

Theo dự thảo của HĐND thành phố, hai con sẽ phải nộp học phí theo vùng 1 - mức đóng cao nhất vì hộ khẩu thuộc nội thành. Chị phải nộp cho mỗi con 300.000 đồng/tháng, gấp 2 lần mức hiện hành. Ba năm tiếp theo, học phí THCS và THPT của vùng 1 lần lượt tăng lên các mức 410.000, 530.000 và 650.000 đồng. Nhìn bảng học phí dự kiến khiến chị Liễu phải thốt lên và lo sẽ không gánh nổi tiền học cho hai con.

"Trong bối cảnh thực phẩm, giá xăng và học phí của con đều tăng mà tiền hai vợ chồng kiếm được chỉ ít đi chứ không nhiều lên. Thành phố cần có phương án điều chỉnh hoặc hoãn tăng học phí trong năm học tới cho phù hợp với bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi sau dịch COVID-19", chị Liễu đề xuất.

Với những gia đình khó khăn như chị Trần Hoàng Phương (42 tuổi, Ba Vì, Hà Nội), việc tăng học phí lên gấp đôi là điều vô cùng đáng ngại. Nếu mức học phí mới được thông qua, năm học tới, chị Phương phải đóng 300.000 đồng/tháng cho hai con lớp 7 và lớp 11 - mức áp dụng cho vùng 3, gồm các xã của 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội.

Là gia đình cận nghèo, chị được giảm 50% học phí, còn 150.000 đồng. Dù đã được hỗ trợ nhưng số tiền sau giảm vẫn cao hơn 1,5 lần so với mức đang đóng.

Dự kiến học phí tăng gấp đôi: Phụ huynh than trời, lo nhiều khoản chi đầu năm - 2

 Mức học phí vùng 1, Hà Nội dự kiến thu trong thời gian tới.

"Với nhiều gia đình số tiền học phí đó có thể không lớn, nhưng với tôi - một công nhân xí nghiệp may bao bì, lương 8 triệu đồng/tháng - thì đó là khoản không hề nhỏ. Để đủ tiền đóng học cho hai con trong những năm qua, tôi phải tích cóp và xin giáo viên chia thành nhiều đợt để đóng. Tới đây, thành phố tiếp tục tăng học phí, cuộc sống của chị và hai con sẽ càng thêm khó khăn", chị Phương nói. Chị mong thành phố lùi thời gian tăng học phí hoặc tính thêm đến các phương án giảm trừ cho học sinh nghèo để các con được đến trường, gia đình không quá nặng gánh.

Tương tự, anh Lê Văn Thái (39 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, nếu mức học phí mới được thông qua, gia đình sẽ chuyển hai con lớp 6 và lớp 9 về quê học vì không cân đối được bài toán kinh tế.

Công việc chính là lái xe công nghệ, hơn hai năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều tháng nghỉ xe không được chạy, anh Thái phải vay mượn họ hàng để trả tiền lãi ngân hàng mua xe trả góp. Đến nay khi kinh tế mở cửa trở lại, thì giá xăng tăng, học phí tăng, đủ thứ tiền sinh hoạt trong gia đình tăng theo, vợ chồng anh không thể xoay xở kịp.

“Học phí cần tăng theo lộ trình để phụ huynh có thể kịp chuẩn bị và đáp ứng. Vào thời điểm này, khi mọi thứ còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo tôi, việc tăng học phí nên lùi lại 1-2 năm nữa”, vị phụ huynh này đề xuất.

Đồng thời anh cũng băn khoăn về chất lượng dạy học có tăng lên khi học phí tăng mạnh. “Tăng học phí cần đi đôi với việc nâng cao dạy học, đầu tư cơ sở trường lớp. Việc chỉ đề xuất tăng mà không có định hướng đầu ra cụ thể khó thuyết phục phụ huynh”, anh Thái nói.

Về vấn đề tăng học phí, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải, dự thảo học phí mới của thành phố được xây dựng theo khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021. Thành phố chia các địa phương thàng 4 vùng: thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi nơi một mức học phí khác nhau.

Hà Nội dự kiến áp dụng mức thấp nhất tại khung học phí mà Chính phủ quy định với mọi vùng và cấp học, rồi tăng tiếp trong những năm sau. Mỗi năm tăng tối đa 7,5%. Nghĩa là đến năm 2025, mức trần học phí hàng tháng có thể là 540.000 đồng (với bậc mầm non) và 650.000 đồng (THCS và THPT) ở thành thị - mức này chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung Nghị định 81. 

Dự kiến học phí tăng gấp đôi: Phụ huynh than trời, lo nhiều khoản chi đầu năm - 3
Dự kiến học phí tăng gấp đôi: Phụ huynh than trời, lo nhiều khoản chi đầu năm - 4
Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn