Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên tại các trường trên cả nước. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, trường học, học sinh và phụ huynh.
Dự kiến thông tư này sẽ áp dụng cho đối với các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các cơ sở có đào tạo giáo viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực tế một số nội dung về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang được lồng ghép vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình mới như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, xã hội, Giáo dục Quốc phòng, an ninh, Địa lý, Hóa học, Hoạt động trải nghiệm…
Tuy nhiên, các kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn còn ít và đa phần là kiến thức về pháp luật. Trong tổng số 12 năm học kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chiếm chưa đến 15 tiết học phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau. Chính điều này dẫn đến sự rời rạc kiến thức, khó khăn để hình thành các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở giáo dục chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục. Các tài liệu,vẫn dùng chung, chưa có tài liệu riêng biệt cho từng cấp bậc học. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trường còn hạn chế chuyên môn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chính vì vậy việc tổ chức phổ biến kiến thức chưa đạt hiệu quả cao.
Về kiến thức, kỹ năng và thực hành huấn luyện phòng cháy chữa cháy trong chương trình giáo dục hiện nay chưa được quy định cụ thể cho từng cấp, bậc học, thời lượng giảng dạy tùy thuộc vào việc sắp xếp của các cơ sở giáo dục, chưa có quy định cụ thể. Công tác diễn tập, tập huấn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới chỉ được tổ chức cho đội ngũ bảo vệ hoặc đội phòng cháy chữa cháy của các cơ sở giáo dục mà chưa tổ chức được cho học sinh, sinh viên.
Như vậy có thể thấy việc chưa có quy định cụ thể về thời lượng, nội dung, tài liệu, giảng viên phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các cơ sở giáo dục là vấn đề còn hạn chế cần được giải quyết. Đó là lý do để đưa các nội dung phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào chương trình học của học sinh, sinh viên bài bản, đầy đủ nội dung, xuyên suốt các cấp học.
Ông Bùi Văn Linh cho biết thêm, dự thảo thông tư bao gồm một số nội dung quy định cụ thể về nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm thống nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và không làm thay đổi quy định khung về chương trình giáo dục chính khóa của các cấp học, trình độ đào tạo.
Nội dung về hình thức tổ chức trang bị kiến thức kỹ năng được quy định mang tính mở không gò ép, được học thông qua các hình thức lồng ghép, các hoạt động ngoài giờ và các hoạt động trải nghiệm.
Bên cạnh việc thực hành với các thiết bị thực tế học sinh sẽ được học, thực hành với các thiết bị mô hình, các công nghệ số. Thông tư yêu cầu kỹ năng cần đạt được đối với các học sinh, sinh viên qua từng cấp, bậc học.
Hằng năm các cơ sở giáo dục giảng dạy, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, qua đó các em sẽ dần được hình thành các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết. Bên cạnh việc học lý thuyết, học sinh, sinh viên sẽ được thực hành, diễn tập để hình thành kỹ năng sinh tồn.
Bình luận