• Zalo

Dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT 2025

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 07/11/2024 19:36:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ năm 2025, học sinh có giấy chứng nhận nghề (được cấp trong thời gian học THPT) sẽ không được cộng điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp THPT như các năm trước.

Đây là một trong những quy định đáng chú ý của Bộ GD&ĐT tại dự thảo thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đang được Bộ lấy ý kiến. 

Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT bỏ quy định học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT.

Như các năm trước, học sinh đạt loại giỏi bằng nghề hoặc loại xuất sắc, giỏi bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2 điểm; loại khá bằng nghề, loại khá và trung bình khá bằng trung cấp được cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm.

Nếu được phê duyệt, nội dung này sẽ chính thức áp dụng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định, việc bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề khi xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là hợp lý, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Vinh, việc dạy nghề trong trường THPT hiện nay theo hướng "dạy cho có", học sinh học nghề phổ thông không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp, mục đích chính là được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT.

Nếu học sinh học nghề một cách nghiêm chỉnh tại các trường phổ thông, có kỹ năng nghề và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường lao động thì học sinh này được cộng điểm khi tiếp tục theo học nghề thì sẽ hợp lý hơn việc cộng điểm vào xét tốt nghiệp THPT.

Việc thí sinh học nghề không bổ sung cho năng lực học vấn của thí sinh. Tổ chức cho học sinh đi học nghề nhưng rồi các em lại vào đại học, gần như không mang lại ý nghĩa gì. 

"Các nước đã bỏ từ lâu mô hình hướng nghiệp kiểu này. Nếu muốn, các trường phổ thông có thể kết hợp mời giảng viên trường nghề về dạy kỹ năng hẳn hoi cho học sinh theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề, có kiểm tra đánh giá rõ ràng”, ông Vinh nêu quan điểm.

Bình luận