Vùng đất cao nguyên Vân Hòa có khí hậu mát mẻ quanh năm vì ở độ cao 400m so với mặt nước biển. Trước đây, vùng cao nguyên này là rừng được khai hoang, người dân đã chừa lại những cây đỏ để đến mùa thu hoạch thì họ hái trái đem đi bán.
Sau này, khi khách du lịch tìm đến và bị cuốn hút bởi những thân cây khổng lồ mọc quả chi chít, những hộ dân có vườn đỏ nghĩ đến việc khai thác du lịch. Vườn đỏ trở thành những khu vườn “hái ra tiền” của nhiều người dân ở xã Sơn Xuân.
Theo người dân địa phương, cây đỏ còn có những tên gọi khác là trái dâu đất , trái dâu da hoặc trái chua. Đây là một loại cây rừng thường gắn liền với cuộc sống của người dân miền núi và được coi là biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy.
Vào cuối tháng Chạp, trên các thân cây nổi lên từng ụ rồi từ đó nhô ra các chùm trái nhỏ màu xam xám, rồi lớn dần. Theo thời gian, chúng thành chùm hoa bé xíu đậu thành các chùm trái nhỏ sai chi chít.
Nhiều tháng sau, các chùm đỏ lớn dần lên và chuyển sang màu đỏ sẫm. Đến gần Tết Trung thu mới vào độ to tròn, căng mọng, bắt đầu chín. Quá trình từ khi cây đơm hoa, kết trái mất gần 10 tháng. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau khi thu hoạch, cây đỏ lại cần mẫn cho ra đợt quả mới.
Ở xã Sơn Xuân có khoảng 15 vườn đỏ, mấy năm nay trở thành nơi check-in thú vị cho du khách khắp nơi đến cao nguyên Vân Hòa. Trong đó có những vườn đỏ lớn, nhiều cây như Bốn Bình, Bốn Ngọc, Bốn Phương, Bốn Cư, Bảy Vinh… Những ngày lễ hoặc cuối tuần, có vườn đón hàng trăm khách đến tham quan.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (du khách Tây Ninh) cho biết, chị xem trên ảnh nên rất thích thú với những trái đỏ này. Vì muốn nhìn tận mắt và cảm nhận vị chua của đỏ nên phải đi xe ra Phú Yên để chiêm ngưỡng chúng. “Rất tiếc, dịp này vườn đỏ chưa chín nên chưa thưởng thức được mùi vị trái đó. Tôi hẹn Phú Yên 4 tháng nữa sẽ quay lại” – chị Giang cho biết.
Vườn đỏ nhà ông Bốn Cư có một cây đỏ đã hơn 100 năm tuổi, ông Cư cho biết, cây đỏ này có từ lâu rồi, từ đời ông nội của ông lên khai hoang.
“Lúc trước, vườn nhà tôi rất nhiều cây đỏ nhưng sau quá trình tuyển chọn, tôi chỉ giữ lại vài cây có vị ngọt thôi. Khi mọi người đến chụp hình nhiều, có người cũng hỏi mua cây đỏ cổ thụ với giá cao nhưng nhất định tôi không bán. Bởi lẽ, cây đỏ này đã chứng kiến quá trình lớn lên, trưởng thành của cả 4 thế hệ trong gia đình tôi”, ông Cư nói.
Các chủ vườn đỏ ở đây vui mừng bởi sau 2 năm dịch COVID-19, đến năm 2022 thì tất cả các vườn cây đỏ bất ngờ không cây nào ra trái. Năm nay cây lại cho trái rất nhiều, hi vọng người làm du lịch từ cây đỏ sẽ có một năm bội thu.
Bình luận