Mô hình cá voi nhám robot gây nhiều tranh cãi. (Nguồn: SCMP)
Một thủy cung ở miền nam Trung Quốc bị cộng đồng mạng và du khách chỉ trích vì trưng bày một robot cá nhám voi thay cho cá sống. Sự việc làm dấy lên những cuộc tranh luận về phúc lợi động vật và quyền của người tiêu dùng.
Các video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một cá nhám voi robot có kích thước bằng cá trưởng thành đang bơi trong bể tại Xiaomeisha Sea World, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Thủy cung này vừa mở cửa trở lại vào tháng 10, phí vào cửa là 32 USD (khoảng 800 nghìn đồng).
Màn biểu diễn của chú cá robot gây ra các phản ứng trái chiều. Một số người bị nó cuốn hút và coi đây là một sáng tạo, trong khi những người khác cảm thấy bị lừa. Thậm chí có người tức giận đưa ra yêu cầu bồi thường trên fapage của thủy cung.
Một cư dân mạng bình luận: “Tôi không thể tin rằng con cá nhám voi giả này xứng đáng để bỏ ra 32 USD mua vé vào xem. Thật vô lý”. Một du khách khác yêu cầu thủy cung đóng cửa ngay lập tức và đe dọa "sẽ báo cáo nơi này vì hành vi lừa đảo".
Ngược lại, không ít cư dân mạng khen ngợi thủy cung, cho rằng đây là cách bảo vệ động vật. Họ có thể chấp nhận việc xem mô hình cá robot, miễn là được thông báo trước.
Một người đam mê robot hào hứng bình luận trên Xiaohongshu (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc: “Đây là một giải pháp thay thế tuyệt vời để trưng bày các sinh vật biển mà không cần giam cầm chúng trong bể. Tuy nhiên, thay vì mập mờ trong thông tin, thủy cung nên nắm bắt cơ hội này để giáo dục mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật”.
Mỗi robot cá nhám voi robot có giá hàng trăm nghìn USD, nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với chi phí chăm nuôi cá sống.
Để nuôi loài cá lớn nhất thế giới, thủy cung có thể tốn hơn 14 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng). Theo Li Jianping, Hiệu trưởng Viện Hải dương học Tương lai tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cá nhám voi có thể sống từ 80 đến 130 năm ngoài tự nhiên, nhưng lại không sống được quá 5 năm trong bể nuôi. Thủy cung có thể đảm bảo chất lượng nước và kiểm soát nhiệt độ tối ưu nhưng không đáp ứng được nhu cầu của chúng về không gian sống.
Ông Li Jianping cũng bày tỏ sự lạc quan về những tiến bộ công nghệ trong tương lai, cho rằng con người sẽ tạo ra những con robot di chuyển theo cách giống thật hơn. “Bể cá lý tưởng phải là thiên nhiên và đại dương bao la”, ông nói.
Theo luật sư Wang Rongmei từ Công ty Luật Jingsh, Bắc Kinh, thủy cung trên không vi phạm bất kỳ luật nào, miễn là đừng quảng cáo có cá nhám voi sống.
Đây không phải là lần đầu tiên một thủy cung Trung Quốc sử dụng mô hình cá nhám voi robot thay vì sinh vật sống. Một con robot tương tự đã ra mắt tại Công viên Đại dương Haichang Thượng Hải vào năm 2022. Chú cá này dài 4,7 mét, nặng 430kg và được thiết kế để mô phỏng chuyển động của cá thật.
Sản phẩm được phát triển nhờ sự hợp tác giữa Haichang Ocean Park Holdings Ltd và Nhà máy 111 thuộc Tổng công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Robot cá này chỉ được kích hoạt khi cần biểu diễn cho du khách. Nhiều người đánh giá chuyển động của nó còn thô cứng, không giống với chuyển động của cá thật.
Bình luận