• Zalo

Du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa từ năm 3 đại học

Du họcThứ Năm, 30/06/2022 08:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kết thúc năm 3 đại học, Ngọc Thuận là thủ khoa khoa Thương mại, trường Đại học Osaka Sangyo, Nhật Bản.

“Ngày mới vào trường, em nghĩ nếu không cố gắng thì sẽ lưu ban”, Thạch Ngọc Thuận (sinh năm 1998, quê An Giang) phát biểu tại hội học bổng Rotary.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thuận lên đường du học Nhật Bản. Ở trường tiếng tại Osaka (trường dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật), 9x được chọn vào lớp học đặc biệt - lớp học vượt bắt đầu từ N3, trong khi đó các bạn cùng khoá phải bắt đầu từ N5 (chứng chỉ năng lực tiếng Nhật JLPT có 5 cấp độ là N1, N2, N3, N4, N5, trong đó N1 là cao nhất). Em cũng được nhận học bổng của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ của Nhật - suất học bổng dành cho học sinh giỏi, chuyên cần, biết quan tâm giúp đỡ các bạn khoá sau.

Du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa từ năm 3 đại học - 1

Thạch Ngọc Thuận hiện là sinh viên năm 3 trường Đại học Osaka Sangyo. (Ảnh: NVCC)

Với thành tích ở trường tiếng, Thuận tự tin khi trở thành sinh viên khoa Thương mại, Đại học Osaka Sangyo. Sau đó, nữ sinh dần “vỡ mộng” khi nhận ra sự chênh lệch lớn giữa tiếng Nhật được học trong trường ngôn ngữ và tiếng Nhật dùng ở trường đại học. Trong tuần đầu, em không theo kịp nội dung bài học trên trường.

Lo bị lưu ban, nữ sinh tự lên kế hoạch học dày đặc để cải thiện điểm số sau mỗi tiết học. Em học trên trường từ 9h sáng đến 5h40 chiều. Sau đó, em tiếp tục học tại thư viện đến 9h30 tối. 1,5 tiếng di chuyển từ trường về nhà bằng tàu điện, em mang sách ra để ôn tập và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.

Ngoài ra, trong tiết học, nội dung nào không hiểu em sẽ lập tức hỏi lại bạn người Nhật hoặc thầy cô phụ trách môn. Nhờ cách học này, sau một tháng, em theo kịp bài giảng trên lớp.

Bên cạnh nỗ lực tự học, em cũng kết giao với nhiều bạn bè người Nhật để hiểu hơn về nền văn hoá ở xứ sở hoa anh đào, cải thiện kỹ năng giao tiếp và giúp đỡ nhau trong học tập. Yếu môn Kế toán, em được một bạn trong nhóm đã sở hữu chứng chỉ quốc gia về môn này kèm học. Bù lại, em giúp bạn học tiếng Anh - môn mà bạn sợ nhất. Nhờ cách học này, cả 5 người bạn thân trong nhóm đều thuộc top 10 của khoa.

Du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa từ năm 3 đại học - 2

Ngọc Thuận trong một chuyến đi chơi cùng các em khoá dưới. (Ảnh: NVCC)

Kết thúc năm nhất, Thuận nằm trong top 3 của khoa và đại diện học sinh Việt Nam làm ảnh bìa báo của Đại học Osaka Sangyo. Em giành học bổng 10 triệu đồng/ tháng trong vòng một năm tại trường.

Nhiều du học sinh tại Nhật cố gắng làm thêm nhiều công việc cùng lúc để trang trải học phí và sinh hoạt phí. Nhưng theo Thuận, có nhiều cách để kiếm tiền, trong đó, “săn” học bổng là cách tối ưu hơn cả. Thuận từng làm việc làm ở quán ăn, cửa hàng tiện lợi hay hiệu thuốc của Nhật. Tuy nhiên, em không ôm đồm quá nhiều công việc và luôn đặt ra mục tiêu đi làm là để mở rộng mối quan hệ và học thêm nhiều từ mới. “Mọi người cố gắng kiếm tiền để trang trải cuộc sống, nhưng lại vô tình quên đi mục đích ban đầu khi qua Nhật”, nữ sinh nói.

Năm 2 và năm 3 đại học, Thuận phải học online do dịch COVID-19 bùng phát. Tận dụng khoảng thời gian này, em lập kênh Youtube dạy tiếng Nhật, soạn giáo trình dạy N2, dạy thêm tiếng Việt cho các học sinh người Nhật. Kết thúc năm 2, em sở hữu bằng N1, thuộc top 3 của trường về thành tích học tập và dành suất học bổng Rotary và sở hữu bằng N1. Em là thủ khoa của khoa Thương mại vào cuối năm 3.

Du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa từ năm 3 đại học - 3

Ngọc Thuận nhận học bổng Rotary. (Ảnh: NVCC) 

Du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa từ năm 3 đại học - 4

Ngọc Thuận nhận bằng thủ khoa từ thầy Akio Suzuki - trưởng khoa Thương Mại. (Ảnh: NVCC)

Thành tích này có được nhờ chiến thuật học tập khoa học của Thuận. Em biết thế mạnh của mình là gì để phát huy, cũng như tìm cách khắc phục khuyết điểm. Ví dụ, trong kỳ thi tiếng Nhật, biết mình có thế mạnh về phần nghe nhưng lại yếu về ngữ pháp, em luyện tập nghe đề cũ trước khi thi mỗi ngày cộng với nghe tin tức mỗi buổi sáng. Dần dần, em quen với tốc độ của người bản xứ và kết quả em đạt điểm tuyệt đối trong môn nghe (60/60) của trình độ N1.

Ngọc Thuận tự nhận bản thân không phải là người giỏi xuất chúng, nhưng luôn biết cách “lấy cần cù bù thông minh”. Em ép bản thân đọc sách chuyên ngành, học thêm 1 thứ tiếng khác những lúc rảnh rỗi. Em cũng rủ bạn bè đi ăn uống, dã ngoại để mở rộng mối quan hệ của mình. “5 năm ở Nhật, em không cho phép bản thân để trống thời gian. Mỗi một phút trôi qua đều phải thật ý nghĩa”, 9x khẳng định.

HOÀI ANH
Bình luận
vtcnews.vn