Tại Siêu trí tuệ Việt Nam tập 5, chàng du học sinh Nguyễn Thế Vinh mang đến cho khán giả một cảm nhận khá đặc biệt. Bố Thế Vinh kể, 2 tuổi rưỡi Thế Vinh bắt đầu không nói nữa, đến 5 tuổi cậu vẫn chưa chịu nói, đi học luôn bị cho là khác biệt, bị các trường bình thường từ chối. Gia đình nhiều lần đưa Thế Vinh đi khám bệnh, chuyển trường để tìm được môi trường thích hợp, tạo điều kiện cho cậu phát triển.
Tuy có đôi chút khác biệt, Thế Vinh lại sở hữu một niềm đam mê piano vô cùng to lớn. Trong chương trình, Thế Vinh chỉ cần một vài giây đã có thể đoán ra và thể hiện chính xác bài hát đó, khiến cả Tóc Tiên, Vũ Cát Tường phải bất ngờ. Thậm chí, Thế Vinh còn vượt qua cả thử thách tại chỗ của Vũ Cát Tường để chinh phục giám khảo khác mời này.
Ấn tượng nhất với Hà Việt Hoàng
- Sau khi chương trình được phát sóng, cuộc sống của Thế Vinh thay đổi như thế nào?
Sau khi chương trình được phát sóng, về cơ bản cuộc sống của tôi cũng vẫn bình thường. Tôi không sống ở Việt Nam, chỉ có một chút xáo trộn là bạn bè trên mạng xã hội nhiều hơn, mọi người bình luận nhiều và tôi trả lời cũng nhiều hơn.
- Trong quá trình tham gia "Siêu trí tuệ Việt Nam", có điều gì làm bạn ghi nhớ sâu sắc?
Có một điều làm tôi bất ngờ và không thể quên được đó là sự làm việc quá vất vả của cả ê-kíp, của anh Trấn Thành, Ban giám khảo… Tôi đến lúc 18h hôm trước (trước tôi đã có người quay từ 14h) khi tôi quay xong đã 3 giờ sáng. Hôm sau, ê-kíp lại trắng đêm như thế. Tôi không hiểu các anh, các chị lấy đâu ra sức mà làm được như vậy.
Điều ấn tượng nữa đối với tôi là anh Trấn Thành dẫn chương trình và ban giám khảo đưa ra những thử thách và câu hỏi quá bất ngờ đối với tôi và bố mẹ. Mọi việc diễn ra quá nhanh nên khi chương trình phát sóng tôi vẫn cảm thấy như trong mơ và thật sự xúc động.
- Thế Vinh có từng xem qua các phần thi của những thí sinh khác và ấn tượng nhất đối với thí sinh nào?
Tôi chưa xem Siêu trí tuệ của nước ngoài. Với Siêu trí tuệ trong nước, tôi ấn tượng nhất với bạn Hà Việt Hoàng. Bạn ấy giỏi thật và giỏi mọi lĩnh vực.
- Bạn bắt đầu tiếp xúc với piano từ khi mấy tuổi và say mê nó là từ khi nào?
Tôi bắt đầu tiếp xúc với piano từ khi 5 tuổi. tôi cũng không biết mình say mê nó từ khi nào chỉ biết rằng lúc nhỏ bố, mẹ tôi ru tôi ngủ và đánh thức tôi bằng tiếng đàn Piano.
- Trong quá khứ Thế Vinh từng bị cho là khác biệt, vậy những điều này có ảnh hưởng gì đến niềm đam mê hay cách nhìn nhận cuộc sống của bạn?
Tôi thấy mình cũng không khác gì so với các bạn khác, cũng lên lớp học, cũng chơi đùa, cũng đi xem, đi diễn…hoặc sự khác biệt ấy từ thuở nhỏ nên tôi không còn nhớ nhiều. Đôi khi, chỉ nghe bố mẹ kể lại và ghi nhật ký lại thôi, nhưng tôi thấy không có gì ảnh hưởng đến niềm đam mê của tôi với cây đàn cả.
Tôi thấy rất yêu cuộc sống này, yêu bố, mẹ, anh chị và mọi người xung quanh.
Nguyễn Thế Vinh
Còn nhìn nhận cuộc sống tôi thấy rất yêu cuộc sống này, yêu bố, mẹ, anh chị và mọi người xung quanh. Tôi muốn được đi diễn, mang tiếng đàn đến với mọi người và cũng thích đi xem mọi người diễn nữa.
- Việc người khác nhìn nhận bạn với hai chữ "tự kỷ" có làm bạn cảm thấy khó chịu?
Chưa có bạn nào hay ai đó nói với tôi là “Mày là đứa tự kỷ. Tao không chơi với mày nữa” hoặc có một thái độ gì đó để làm tôi khó chịu cả. Tôi thấy rất thoải mái với mọi người xung quanh và có rất nhiều bạn bè kể cả những người nhiều tuổi hơn và ít tuổi hơn tôi
- Làm cách nào mà Thế Vinh có thể đạt đến những thành công như hiện tại?
Nói về thành công thì tôi thấy to tát quá. Hiện tại, tôi mới là học sinh lớp 12, tôi cũng biểu diễn với một số dàn nhạc giao hưởng và có đạt được một số giải trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tôi thấy mình còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Còn đã theo đuổi con đường nghệ sĩ đàn, muốn đàn hay, đàn giỏi thì phải chăm chỉ luyện tập thôi. Khi học đàn, tôi cũng không thấy có trở ngại gì về tâm lý cả. Tôi rất thích học đàn và rất thoải mái khi được học, được thi, được diễn.
- Vì sao bạn lại chọn lựa chơi gắn bó cùng piano cổ điển suốt 10 năm mà không phải một thể loại nào khác?
Khi mới bắt đầu học đàn tôi được học cổ điển, tôi thích cái hay, cái đẹp trong nhạc cổ điển nên tôi đã theo học từ nhỏ tới nay, nhưng trong thời gian gần đây có lẽ cũng là do lứa tuổi thanh niên nên tôi cũng đã thay đổi nhiều rồi, tôi thấy âm nhạc có nhiều mảng, nhiều thể loại khá thú vị, nên tôi bắt đầu tham gia chơi một số nhạc cụ như đàn Ukulele, Melodica,…
Tôi cũng cover khá nhiều bản nhạc pop, jazz, đệm hát… Bản thân tôi cũng tự thu âm, tự phối khí nên tôi thấy rằng tìm hiểu thêm các thể loại khác cũng có nhiều cái hay cái mới mang tính thời đại.
Không biết việc tập đàn có giúp ích cho não bộ hay không?
- Mỗi ngày Thế Vinh dành bao nhiêu thời gian cho việc luyện tập của mình, và điều đó giúp ích gì cho não bộ của bạn?
Bây giờ tôi đang du học tại Mỹ nên cũng không có nhiều thời gian tập đàn. Mỗi ngày tôi dành khoảng 4-5 tiếng cho đàn. Với tôi đàn là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày, mỗi khi học đàn, chơi đàn tôi cảm thấy rất vui, con người tôi thấy thoải mái. Còn việc có giúp gì cho não bộ không thì tôi cũng không biết nữa, chắc là phải để công việc này cho các nhà nghiên cứu.
Ngoài piano, tôi rất thích môn thể thao bóng đá.
- Ở bài hát cuối cùng, cả ca sĩ Tóc Tiên và Vũ Cát Tường đều không nhận biết được tên bài hát dù đã được nghe và nhìn. Vậy làm cách nào để bạn có thể đoán chính xác được bài hát chỉ thông qua việc nhìn động tác tay của người chơi đàn?
Trong thời gian 2 năm trở lại đây, tôi bắt đầu thích nhạc pop và tôi từng chơi qua bài này. Vì vậy, khi tôi nhìn các ngón tay bấm vào các nốt trên đàn là tôi nhận ra ngay (Anh ơi ở lại - PV).
- Sau khi đã trở thành thành viên của biệt đội "Siêu trí tuệ Việt Nam", bạn dự định sẽ làm gì tiếp theo để có thể thi đấu cùng những đối thủ khác?
Nếu có thời gian tôi sẽ theo học một lớp hướng dẫn về rèn luyện trí nhớ. Tôi đọc trên mạng mới biết rất nhiều bạn trong biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam đã theo học ở các lớp này.
- Bạn chia sẻ trên chương trình rằng muốn trở thành một pianist tài năng, vậy ngoài điều đó ra bạn có mong muốn nào khác?
Trước mắt thì như vậy đã, sau này khi đã học xong rồi tôi mong muốn được mang tiếng đàn của mình đi khắp nơi, được biểu diễn để làm thiện nguyện, đặc biệt là tham gia vào những đêm nhạc “Khăn ấm cho tôi”; “Chảy đi sông ơi”, ”Vì cộng đồng nghệ thuật Tây Bắc”… mà trước đây tôi tham gia để lấy tiền ủng hộ các trẻ tôi nghèo vùng cao và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây bắc
Sau khi tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, tôi có thêm một mong muốn không biết có sớm thành hiện thực được hay không. Nếu Ban giám khảo có chị Tóc Tiên, chị Cát Tường và anh Trấn Thành tổ chức một đêm nhạc thiện nguyện nào, tôi chỉ mong muốn được đệm đàn trong đêm nhạc đó. Tôi mới chỉ được đệm cho chú Trọng Tấn trong chương trình Bữa trưa vui vẻ trên VTV6 thôi.
- Cuộc sống của một du học sinh mang đến cho bạn những khó khăn gì?
Tôi sống nội trú nên cuộc sống phải tự lập hoàn toàn, xa bố mẹ và gia đình, rào cản ngôn ngữ, phong tục, tập quán có nhiều các khác với mình. Mùa đông nơi tôi sống nhiệt độ rất thấp, thường xuyên -10 độ C đến - 12 độ C, có những đợt rét đến -40 độ C. Cách học ở Mỹ cũng khác nhiều với Việt Nam, tôi gặp khó khăn nhiều đối với môn tiếng Ạnh, Văn học thế giới và lịch sử Mỹ.
Bình luận