Lâu lắm rồi không nghe một câu hát ru, mãi hôm qua, tới thăm một người bạn cùng quê mới sinh con, từ ngoài cửa đã nghe giọng bạn vọng ra những câu ca dao mộc mạc, bỗng thấy lòng xốn xang đến lạ:
“À ơi à ơi ời à ơi …
Em ơi, anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui mừng…”
Ngày còn ở quê, không gian nhỏ bé, những câu hát ru như là một phần thân thuộc trong tuổi thơ mỗi người. Từ những câu hát ca ngợi quê hương, đất nước, công cha nghĩa mẹ cho tới tình anh chị em… nhẹ nhàng sâu lắng đi vào lòng người, nuôi dưỡng hun đúc tâm hồn con trẻ. Những em bé ở quê như thành quen, mỗi tối thiếu lời ru của bà của mẹ là chẳng thể nào ngon giấc. Hát ru đã trở thành một nét đẹp gắn liền với hình ảnh người mẹ tảo tần, thương con.
Người Việt Nam ở lứa tuổi trên dưới 50 là những thế hệ may mắn nhất khi từng thụ hưởng một gia tài đồ sộ từ người mẹ qua giọng hát ru con của bà. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều thứ hiện đại thay thế dần những thứ truyền thống, rồi theo đó một vài giá trị cũng mai một đi. Lên thành phố sống, nhìn mấy bà mẹ trẻ ru con ngủ bằng những bản nhạc cổ điển bác học sang trọng mà thấy tiếc nuối cho những khúc hát ru thời thơ trẻ.
Có lần lang thang trên các diễn đàn của các bà mẹ, có chị hóm hỉnh nhận xét: “Đọc các bài hát ru của các mẹ trên diễn đàn làm mình nhớ lại những ngày tháng nuôi con, đêm đêm thức khuya vất vả, hát ru hoài con chẳng ngủ mà mẹ thì buồn ngủ ríu cả mắt, ba tháng đầu đời của con làm mẹ phải vận dụng hết tất cả các có thể ru được chưa kể sáng tác ra những bài chỉ dành riêng cho con thôi. Mệt nhưng mà hạnh phúc biết mấy. Mai mốt có cháu nội, mình sẽ sưu tập các bài thơ của các mẹ để dành làm của hồi môn cho con dâu, kẻo thế hệ chúng nó toàn hát nhạc Rap, Rock thì tội cháu chúng mình lắm.”
Ngoài việc làm bền chặt thêm sự gắn kết giữa mẹ và con, hát ru còn có chức năng giáo dục, thẩm mỹ hết sức to lớn. Nó góp phần làm hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, năng khiếu tâm hồn, kể cả thái độ ứng xử của con người từ khi còn bé. Lời ru như mạch nguồn trong trẻo, vô tận nuôi dưỡng tâm hồn bé, giúp bé phát triển về ngôn ngữ và cảm nhận về âm nhạc tốt hơn.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: từ tháng thứ 6 của thai kỳ, âm nhạc và giọng nói của mẹ có thể truyền thẳng đến thai nhi và kích thích sự phát triển của não bộ. Các nhà khoa học Đức đã cho một em bé sinh thiếu tháng nghe bản nhạc “Ru con” của Brahms 5 phút trong 6 lần mỗi ngày. Kết quả là em bé này đã có những biểu hiện nhanh nhẹn hơn các em bé sinh thiếu tháng khác.
Các nhà khoa học lý giải rằng: Thai nhi cũng như em bé mới sinh rất cần cảm giác yên tâm và an toàn. Âm hưởng vang lên trong những khúc hát ru thường nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng. Giọng nói, tiếng ru của mẹ bên tai cho bé biết đang được người yêu thương bao bọc.
Lắng tai nghe những lời mẹ ru êm ả nồng nàn ấy, đứa trẻ là chúng ta không khỏi ảnh hưởng đến lòng từ tâm, âm thanh yêu thương từ mẹ để rồi sau đó bước ra đời với hành trang yêu người, yêu đời ăm ắp trong tim. Các bà mẹ nên nhớ rằng, việc mở nhạc cho con nghe chỉ là những biện pháp thay thế tạm thời. Những bài hát ru vẫn là sợi dây thiêng liêng gắn kết tình mẫu tử, cho con sự nuôi dưỡng tâm hồn tốt nhất mà không một phương pháp hiện đại nào thay thế được.
Bình luận