Theo đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố ngày 11/3, mặc dù nguy cơ Pháp rời EU và rút khỏi khu vực đồng Euro (còn gọi là Frexit), sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là "không cao," song nguy cơ này "đang gia tăng".
Trong thông cáo ngày 11/3, hãng Moody's nhấn mạnh những gì diễn ra thời gian qua chứng minh rằng nhiều "vụ việc bất ngờ" có thể xảy ra thông qua các sự kiện chính trị, đặc biệt là các cuộc trưng cầu dân ý.
Theo Moody's, trừ khi có một sự thay đổi mục tiêu đột ngột, nếu không, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên sắp tới sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề tăng trưởng kinh tế và sử dụng ngân sách, chứ không đề cập đến vấn đề Frexit.
Trong các cuộc thăm dò trước đây, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN) từng nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc Pháp rời bỏ "con tàu đang đắm" EU.
“Tôi sẽ bỏ phiếu cho Frexit nếu Liên minh châu Âu không mang lại cho chúng ta tiền bạc, luật lệ, tự chủ ngân sách và lãnh thổ. Brexit là câu trả lời cho sự mù quáng trong chính sách kinh tế và chính trị của EU”, bà nói.
Trước đó, chính trị gia người Pháp Bernard-Henri Levy cũng nói rằng: “Một trong những vấn đề của châu Âu đó là liên minh này đã không còn là một niềm khao khát nữa. Bản thân nó cũng không tạo ra khao khát cho con người. Đó là bởi vì bối cảnh ở đây quá buồn, quá ảm đạm, cứng nhắc".
Frexit có thể khiến một số hay một số nước chọn rời EU khiến liên minh này phải thu hẹp lại, song nếu cuộc trưng cầu ý dân theo kiểu như tại Romani thành công thì có thể khiến cho EU sụp đổ hoàn toàn bất cứ lúc nào, chứ không chỉ là việc chia tách.
Bởi việc buộc phải chọn rời hay ở lại EU có thể khiến người dân lưỡng lự, song nếu chỉ chọn giải quyết vấn đề nội bộ của đất nước thì họ quyết định dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Điều đó cho thấy, trong trường hợp cả 27 thành viên còn lại đều tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU thì EU vẫn không thể tan rã.
Tuy nhiên, chỉ cần 3 nước thành viên tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề nội tại của đất nước họ, mà kết quả là thúc đẩy mâu thuẫn vốn có giữa quốc gia với liên minh thành mâu thuẫn đối kháng thì EU có thể tan rã ngay.
Bởi lẽ mâu thuẫn đó luôn tồn tại giữa EU với tất cả các thành viên, nay chỉ cần một vài thành viên khởi phát mâu thuẫn thì sẽ khiến cho mâu thuẫn phát triển nhanh chóng và đó cũng là lúc chấm dứt sự tồn tại của EU.
Trước đó, việc đa số người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU chỉ là một trong chuỗi diễn biến liên quan đến nhau, báo hiệu khả năng diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và ý thức hệ trên toàn cầu.
Giờ đây, việc Anh rời khỏi EU đã biến nước này thành biểu tượng cho những rạn nứt của chính trật tự thế giới đó. Việc London lựa chọn rời khỏi EU làm suy yếu vị thế của khối trên vai trò một thị trường chung lớn nhất thế giới cũng như một thành trì của nền dân chủ toàn cầu.
Việc này cũng làm suy yếu sự thống nhất thời hậu chiến mà các liên minh cần đến để duy trì sự ổn định cũng như kiềm chế chủ nghĩa dân tộc từng đẩy châu Âu vào một cuộc xung đột đẫm máu, vào đúng thời điểm chủ nghĩa này đang hồi sinh mạnh mẽ.
"Bản thân Brexit sẽ không xóa bỏ hoàn toàn trật tự quốc tế, nhưng nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu, làm xói mòn niềm tin vào trật tự vốn được các quốc gia đồng minh dày công tạo dựng", Ivo H. Daalder, cựu đại diện Mỹ tại NATO nhận định.
Bình luận