Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi.
Mục tiêu người Việt được tiếp cận vaccine nhanh nhất
Vừa qua, chương trình ra mắt Quỹ Vaccine phòng COVID-19 đã được diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng nhằm mục đích lan tỏa tinh thần trách nhiệm của người dân chung tay vì cả nước, vì sức khỏe của chính mình và người thân, của đồng bào; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có vaccine để chặn đứng đại dịch một cách hiệu quả.
Chương trình còn nhằm kêu gọi sự tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Cùng với đó, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021, Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng.
Trước việc nhiều doanh nghiệp cho biết có thể tìm được nguồn vaccine, Bộ Y tế đã khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay”.
Tại cuộc họp ngày 31/5, Bộ Y tế cho biết, theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu. Cả nước hiện có 27 đơn vị có chức năng này. Do đó, các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số 27 đơn vị này.
“Nút thắt” tiếp tục được tháo gỡ, đến trưa 2/6, Bộ Y tế công bố Việt Nam có 36 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu vaccine COVID-19 và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Bộ nhấn mạnh quan điểm khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm, nhập khẩu vaccine COVID-19 .
Hiện Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine COVID-19 qua nguồn COVAX, tuy nhiên lượng vaccine về chưa nhiều. Bộ cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Trước đó, Astra Zeneca và Pfizer/BioNTech đã ký cam kết cung ứng lần lượt 30 triệu và 31 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam.
Sau buổi làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga chiều 2/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021. Ông Long khẳng định với những thỏa thuận đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi.
Doanh nghiệp dù chịu ảnh hưởng vẫn sẵn sàng chung tay
Song song đó, Quỹ Vaccine vẫn đang tiếp tục được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp để đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ cho mục tiêu người Việt được tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Quỹ Vaccine dự kiến cần khoảng 25.200 tỷ đồng để tiêm phòng cho 75 triệu người, trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 16.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Tính đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vaccine. Đặc biệt, cũng trong chương trình ra mắt Quỹ Vaccine, con số này được tăng lên theo cấp số nhân.
Trong lúc COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn tiên phong, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch; mặt khác cố gắng giữ nhịp kinh doanh để Việt Nam đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch tốt vừa đạt hiệu quả kinh tế.
Tại Tập đoàn Novaland, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Novaland đã liên tiếp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong công cuộc phòng, chống đại dịch.
Đến thời điểm này, Tập đoàn đã đồng hành góp 100 tỷ đồng đến Quỹ Vaccine và sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chi hơn 16 tỷ đồng kinh phí nhằm hỗ trợ thiết bị y tế chuyên dụng, xét nghiệm, điều trị COVID-19.
Liên tiếp những năm gần đây, Novaland cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng với hàng chục ngàn người thụ hưởng trong các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, giáo dục, sức khỏe và an sinh xã hội như bảo vệ sức khỏe học đường, chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn, giảm thiểu tác động của thiên tai, trao tặng học bổng, hỗ trợ bệnh nhi nghèo, chiến dịch trồng cây góp phần phủ xanh Việt Nam… tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bên cạnh công tác hỗ trợ cộng đồng, công ty luôn đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh vừa duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng.
“Novaland cam kết kiên định với chiến lược phát triển bền vững, quản trị rủi ro chặt chẽ và tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan kiểm soát dịch bệnh, đồng hành với Chính phủ, địa phương phòng chống dịch. Các mục tiêu sức khỏe cộng đồng sẽ được đặt lên trên hết”, lãnh đạo doanh nghiệp cam kết.
Bình luận