Video: Trịnh Xuân Thanh bước ra khỏi phòng chờ xử
Sáng nay (22/1), sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm của dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục diễn ra. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm đứng trước tòa nghe phần tuyên án.
Hơn 8h ngày 22/1, Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân lần lượt đọc tiểu sử các bị cáo. Bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm có mặt đầy đủ ở phiên toà.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, tham ô tài sản xảy ra tại PVC và PVN là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tại toà, cơ bản các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên một số bị cáo phủ nhận cáo buộc như luận tội của VKS.
Căn cứ lời khai các bị cáo, lời khai nguyên đơn dân sự, lời người liên quan và vật chứng và kết quả giám định, HĐXX khẳng định có đủ cơ sở kết luận hành vi Cố ý làm trái của các bị cáo.
Về việc cố ý làm trái trong việc lựa chọn nhà thầu, năm 2010, do đầu tư dàn trải không hiệu quả nên tài chính PVC gặp khó khăn. Sau khi gánh thêm 5 dự án thua lỗ do tập đoàn chỉ định, năm 2011 PVC mất cân đối đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Biết rõ PVC gặp khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn giao PVC làm tổng thầu hợp đồng EPC theo hình thức chỉ định thầu.
Dù hồ sơ thiếu cơ sở pháp lý, nhưng bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33.
Về tội Cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng, căn cứ lời khai của bị cáo, HĐXX thấy rằng vào ngày 15/10/2010,HĐQT Tập đoàn PVN đã ra nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong đó có nội dung PVC là thành viên đứng đầu liên doanh, nhà thầu nước ngoài tham gia lựa chọn theo hình thức đấu thầu thực tế.
Như vậy nghị quyết của HĐTV PVN đã nêu rất rõ, PVC phải thực hiện liên doanh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài đủ năng lực và kinh nghiệm.
Tuy nhiên lúc đó bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất, EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm nghị quyết của HĐTV của PVN, điều lệ PVN.
Lời khai bị cáo thừa nhận việc này do sức ép tiến độ, nên có sai phạm trong quy trình chỉ định thầu PVC khi không qua HĐTV.
Bị cáo khai do nôn nóng, sức ép công việc nên bị cáo Thăng đã chỉ đạo ký HĐ 33 trái quy định.
Tại tòa, Nguyễn Quốc Khánh khai việc nhanh chóng ký hợp đồng EPC do bị cáo Thăng và Phùng Đình Thực chỉ đạo ký cho kịp tiến độ trước ngày 28/2/2011.
Video: Tuyên án Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân
Do vậy, HĐXX khẳng định có cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng được báo cáo đến trung tuần tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ EPC để ký, nhưng vẫn chỉ định cấp dưới ký trước ngày 28/2/2011, trái quy định.
Hợp đồng 33 cũng thiếu nhiều nội dung quan trọng, vi phạm nghị định 48 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký hợp đồng 33 là doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Thời điểm đó PVC được PVN chỉ định thầu một số dự án như: Dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ… cho đến nay xác định thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Mỗi dự án như vậy có thể trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự khác.
Theo HĐXX, quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền quyết liệt, vội vã chi doanh nghiệp không đủ năng lực đã trái pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ.
Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ PVC khó khăn nhưng vẫn chỉ định PVC tổng thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo là người đứng đầu PVN nhưng vẫn có hành vi chỉ định thầu cho PVC, khi biết rõ PVC không đủ năng lực.
Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng vi phạm quy định pháp luật, vi phạm luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng.
Đối chiếu với các quy định của Bộ luật hình sự, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội Cố ý làm trái, không phải tội danh khác như bị cáo và luạt sư nêu.
HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng, như tình tiết giảm nhẹ được quy định Bộ luật hình sự, nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai.
HĐXX khẳng định sẽ có một bản án có tình, có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc là đủ cảnh báo cho việc lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích Nhà nước và nhân dân.
Trước đó, sáng 8/1, TAND Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng và 21 người trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) ra xét xử sơ thẩm.
Đây là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ 1/1/2018. Phiên tòa không có vành móng ngựa.
Ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN) và 11 đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
8 bị cáo khác bị truy tố tội Tham ô tài sản. Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả 2 tội danh trên.
Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện và ký gói thầu EPC số 33 trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.
Nhóm cán bộ ở PVN bị cáo buộc cố ý làm trái quy định khi chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng tiền tạm sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.
Tại tòa ông Đinh La Thăng và một số bị cáo nói không biết hợp đồng số 33 được ký thiếu cơ sở pháp lý. Cựu Chủ tịch PVN cho rằng việc chỉ định thầu, tạm ứng tiền thuộc trách nhiệm của ban giám đốc và chủ đầu tư.
Trong khi cấp dưới khai Trịnh Xuân Thanh đề ra chủ trương tham ô thì người đứng đầu PVC phủ nhận việc này. Ông nói bản thân không liên quan khoản 1,5 tỷ đồng VKS cáo buộc sử dụng chung, cũng như việc nhận 4 tỷ đồng do cán bộ dưới quyền chuyển thông qua lái xe riêng.
Ngày 11/1, VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa và một số bị can thắc mắc về cách giám định thiệt hại số tiền 1.100 tỷ PVC sử dụng sai mục đích và một số chứng cứ cáo buộc khác.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng có cơ sở xác định ông Thăng và cấp dưới cố ý làm trái. Riêng Trịnh Xuân Thanh có căn cứ xác định bị cáo này đã tham ô tài sản.
Căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, đại diện VKS sau đó đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lương Văn Hòa, Lê Đình Mậu, Bùi Mạnh Hiển, Phạm Tiến Đạt so với mức đề nghị trước đó và đề nghị cân nhắc giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó tổng PVC).
Trong phần tự bào chữa, ông Thăng thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu và xin nhận tội thay cho các bị cáo dưới quyền không có động cơ vụ lợi, vi phạm do thực hiện chỉ đạo quyết liệt. Cựu Chủ tịch PVN gửi lời xin lỗi tới Đảng, nhân dân.
Trịnh Xuân Thanh cũng có gần 20 phút tự bào chữa. Bị cáo này thừa nhận không đọc nội dung hợp đồng 33, song phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản.
Sáng 17/1, các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Đứng trên bục khai báo, ông Thăng một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải, nhận trách nhiệm thay cấp dưới. Cựu Chủ tịch PVN mong được đón cái Tết cuối cùng bên gia đình, người thân trước khi chấp hành án.
Vũ Đức Thuận và một số bị cáo thừa nhận sai phạm, mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để lượng hình. Riêng Trịnh Xuân Thanh đã khóc, xin lỗi Tổng Bí thư tiếp tục đề nghị tòa tuyên ông ta vô tội về tội Tham ô tài sản. Về cáo buộc cố ý làm trái, bị cáo thừa nhận không đọc kỹ nội dung hợp đồng EPC số 33. Trịnh Xuân Thanh xin được sang Đức chăm sóc vợ con sau khi kết thúc vụ án.
Video: Những phát ngôn của ông Thăng trong phần tự bào chữa
Bình luận