FED “nhấn chìm” thị trường vàng
Tuần trước là khoảng thời gian đáng quên của thị trường vàng. Giá các kim loại quý đồng loạt lao dốc sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục phục hồi và có xu hướng đi lên.
Bà Janet Yellen khẳng định nếu thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, bà mong đợi những chính sách thay đổi thích hợp sẽ diễn ra trong những tháng tới. Một trong những chính sách quan trọng nhất chính là tăng lãi suất USD.
Ngay sau bài phát biểu này của bà Janet Yellen, chỉ số đồng USD tăng cao, liên tục lập các kỷ lục mới trong khi giá vàng quay đầu giảm sâu. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm hơn 3% và gần chạm ngưỡng quan trọng 1.210 USD/ounce.
Đón tuần mới, giá vàng thế giới không những không phục hồi mà còn nối dài đà lao dốc. Ngay từ đầu phiên, giá vàng đã “bốc hơi” thêm hơn 10 USD/ounce. Trong suốt phiên giao dịch, giá vàng loanh quanh ở mốc 1.200 USD/ounce.
Có thể thấy, những bình luận của Chủ tịch FED đang “nhấn chìm” thị trường vàng. Có nhiều chuyên gia “bảo lưu” cho đà giảm của giá kim loại quý này.
Andrew Chanin, CEO của PureFunds nhận xét trong vài ngày qua, dự báo về khả năng tăng lãi suất đồng USD đã tạo nên một “cơn gió ngược” trên thị trường vàng. Điều đó sẽ còn tiếp tục diễn ra và gây áp lực lên kim loại quý này. Như vậy, đà giảm của giá vàng vãn còn tiếp diễn.
Mike Ciccarelli, nhà giao dịch chứng khoán và hàng hóa tại Briefing.com nhận xét: “Bây giờ tôi không lạc quan vào vàng. Quá khó để tìm chất xúc tác có thể ủng hộ việc mua vào lúc này”.
Giá vàng sẽ tăng gần 60%?
Bình luận của Chủ tịch FED đang “nhấn chìm” thị trường vàng. Ngày càng nhiều ý kiến tỏ ra bi quan với giá kim loại quý. Thế nhưng, vẫn có người đưa ra bình luận ngược lại. Thậm chí, có chuyên gia còn khiến giới đầu tư sốc khi dự báo giá vàng có thể tăng gần 60% lên 1.900 USD/ounce bất chập việc FED sẽ sớm tăng lãi suất USD.
Peter Boockvar, chuyên gia phân tích thị trường trưởng ở Lindsey Group rất lạc quan khi chia sẻ với CNBC sau khi thị trường vàng “lao dốc” bởi sự tác động của FED: “Đây mới chỉ là khởi đầu cho đà tăng của thị trường kim loại quý”.
Boockvar lạc quan tới mức cho rằng “mức đỉnh” 1.900 USD/ounce của giá vàng trong năm 2011 không những có thể đạt được mà thậm chí có thể bị phá vỡ. Nguyên nhân của nhận định này chính là quan điểm “đỉnh sau” vượt “đỉnh trước”.
“Để vàng giảm giá, bạn phải tin rằng FED sẽ tăng 100 đến 200 điểm cơ bản trong 2 năm tới đây. Đây là điều tôi cho rằng phi thực tế. Vì vậy, tôi tin rằng đây là cơ hội lý tưởng cho những ai chưa bước vào thị trường vàng” – Boockvar phân tích.
Boockvar cho biết giữa những năm 2000, khi lãi suất quỹ liên bang tăng 1% lên 5%, giá vàng đi thẳng từ 400 USD/ounce lên 700 USD/ounce.
Vàng trong nước “giữ giá” hơn vàng thế giới
Những gì Peter Boockvar bình luận được xem là “dự báo sốc”. Trong lúc chờ thời gian trả lời liệu Peter Boockvar có “dự báo sốc” hay không thì giá vàng thế giới miệt mài đi xuống. Giá vàng thế giới có tốc độ giảm nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với giá vàng SJC. Điều đó cũng có nghĩa vàng trong nước “giữ giá” hơn vàng thế giới.
Trong nhiều tháng trở lại đây, giá vàng thế giới thường trong tình trạng cao hơn giá vàng thế giới. Nhưng giá vàng thế giới đã “lật ngược thế cờ” và ngày càng đắt đỏ hơn. Tại thời điểm cuối ngày 30/5, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 670.000 đồng/lượng. Con số này ngày hôm qua là 610.000 đồng/lượng.
Nguyên nhân khiến tốc độ rơi của giá vàng SJC khiêm tốn hơn giá vàng thế giới chính là nhà đầu tư nội không quá hoảng loạn. Vì vậy, Bảo Tín Minh Châu đánh giá vào thời điểm giá vàng giảm mạnh như hiện nay, đây là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư và người dân mua vàng tích trữ đợi giá lên bán chốt lời.
Trong khi đó, DOJI đưa ra lời khuyên khá cẩn trọng. DOJI cho rằng tuần này, giá vàng còn đang có sự “giằng co” phức tạp do chịu ảnh hưởng từ những thông tin thị trường thế giới. Vì vậy, DOJI khuyên nhà đầu tư nên có cái nhìn sáng suốt từ những động thái diễn biến hợp lý để lựa chọn thời điểm tham gia thích hợp.
Bình luận