Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho rằng, công nghệ 4.0 phát triển, nhiều ngành nghề cũ sẽ mất đi, ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục đào tạo của các trường cũng phải thay đổi theo.
Phó giáo sư Khánh dự báo các nhóm ngành nghề có triển vọng tăng trưởng trong tương lai, gồm:
Nhóm 1, ngành công nghệ thông tin như phần mềm, an ninh mạng, data, dữ liệu... Đây là nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực rất cao.
Nhóm 2, ngành tự động hóa như cơ điện tử, điện tử, robot…
Nhóm 3, ngành công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh.
Nhóm 4, ngành công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững.
Nhóm 5, ngành tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch.
Nhóm 6, nhóm ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng...
Nhóm 7, ngành ngôn ngữ, ngoại ngữ - đây là công cụ quan trọng để chúng ta hội nhập và học những kiến thức ở bên ngoài.
Vị phó hiệu trưởng khuyên, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2021, các em hãy tự đặt ba câu hỏi: "Mình có thích ngành nghề đó không?"; "Trong ngành nghề định chọn, đòi hỏi những kỹ năng gì, mình có thể đáp ứng được không?"; "Ngành nghề mình lựa chọn có khả năng tồn tại hay biến đổi trong tương lai không?". Các câu hỏi này sẽ giúp thí sinh định vị lại năng lực và mong muốn của bản thân.
Trên thực tế, nhiều thí sinh chọn ngành, nghề, trường theo nguyện vọng của bố, mẹ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các em chọn nhầm ngành, nghề, đi học rồi mới thấy không phù hợp, hoặc không theo kịp chương trình học, từ đó dẫn đến tình trạng nghỉ học cao hàng năm.
"Ở nước ngoài, họ hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm, từ lúc 10 tuổi, cho các em 7 - 8 năm trải nghiệm. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải hướng nghiệp sớm hơn nữa để các em có thời gian trải nghiệm, biết mình thích ngành nào tránh trường hợp chọn nhầm ngành" - ông Khánh kiến nghị.
Các trường đại học không nên quá tập trung vào đào tạo các ngành "hot". Bởi, tập trung vào các ngành này thì chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tức thời, còn về lợi ích phát triển dài hạn phải nhìn vào ngành cơ bản.
Hiện, Đại học Phenikaa vẫn kiên trì mục tiêu định hướng từ đầu là tập trung vào các ngành cơ bản như cơ khí, cơ điện tử… Mặc dù những ngành này không thu hút nhiều học sinh tham gia nhưng rất cần cho sự phát triển bền vững của nền công nghiệp. Vì vậy, để thu hút được học sinh tham gia vào các ngành học này nhà trường đưa ra nhiều khuyến khích và cam kết việc làm đầu ra.
Dự báo về ngành học trong tương lai, phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030. Trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp…
Đó là những định hướng lớn. Quá trình chuyển đổi số sẽ làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế. Để có thể làm chủ tương lai thì người học càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại, cập nhật, nếu không sẽ bị lạc hậu và tụt lại trong cuộc cách mạng thông tin này.
Bình luận