Tại buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến đại học chính quy năm 2022 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo dự báo điểm chuẩn vào một số ngành của các trường thuộc năm nay sẽ tăng.
Theo GS Đức, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không biến động nhiều so với năm 2021, tuy nhiên có một số điều chỉnh về phổ điểm.
Năm ngoái, môn Ngoại ngữ gần 20% thí sinh đạt 8 điểm trở lên, thì năm nay là 11,3%. Phổ điểm môn Toán năm nay thấp hơn nhưng vẫn có khoảng 20% thí sinh trên 8 điểm.
Môn Ngữ Văn năm ngoái 41,7% thí sinh đạt điểm 7 trở lên thì năm nay tăng lên 42,2%. Môn Lịch sử nhiều biến động nhất, năm ngoái chỉ 5,4% thí sinh trên 8 điểm thì năm nay con số này là 18%. Vật lý và Hóa học có tỷ lệ điểm giỏi cao hơn năm 2021.
"Với phổ điểm như vậy, năm nay vẫn có nhiều thí sinh đạt trên 8 điểm và không biến động nhiều so với năm trước. Điểm các tổ hợp cơ bản cũng không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, tổ hợp nào có môn Sử thì điểm chuẩn sẽ tăng nhiều, còn tổ hợp có môn Tiếng Anh thấp hơn", GS Đức dự đoán.
Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ xét tuyển thẳng cao và tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá năng lực. Vì vậy, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn năm ngoái.
"Các thí sinh nên lấy điểm chuẩn của năm 2021 cộng thêm 0,5 - 1 điểm sẽ ra điểm ở ngưỡng an toàn để cân nhắc đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn của những ngành hot có thể tăng từ 1 - 2 điểm. Nhất là với các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn cơ bản có phổ điểm cao, còn khối Khoa học Tự nhiên sẽ giữ ổn định so với năm 2021", GS Đức nhấn mạnh
Ôg cũng lưu ý, dù điểm sàn vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tăng lên 20 điểm nhưng điểm sàn và điểm trúng tuyển hoàn toàn khác nhau. Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh đăng ký xét tuyển, những ngành bình thường sẽ được cộng thêm từ 3 - 4 điểm, những ngành hot như Y dược, Kinh tế, Luật, Công nghệ thông tin thậm chí cộng thêm 8 điểm so với điểm sàn.
GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, điểm chuẩn vào các ngành đào tạo của nhà trường sẽ tương tự như năm 2021. Tuy phổ điểm Ngoại ngữ và Sinh học thấp, nhưng các môn còn lại vẫn giữ ổn định.
"Tôi khuyên các em nên căn cứ vào điểm trúng tuyển của năm ngoái để đặt nguyện vọng vào ngành mình yêu thích", ông Sơn nói.
ThS. Nguyễn Văn Hồng, chuyên viên Phòng Đào tạo, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội dự báo điểm chuẩn của các ngành không biến động lớn.
Với những ngành cơ bản kén người học, thí sinh nên tham khảo điểm năm 2021 để xếp nguyện vọng. Những bạn có điểm không quá cao thì không nên chỉ đăng ký vào những ngành hot, nên có lựa chọn phù hợp để tăng cơ hội trúng tuyển.
Bộ GD&ĐT thống kê đến hết ngày 11/8 có 495.039 thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT, còn lại 444.690 em chưa đăng ký. Tổng số nguyện vọng đã đăng ký vào các trường đại học là hơn 2,1 triệu (trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4,31 nguyện vọng). Hạn cuối đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT vào 17h ngày 20/8.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhắc nhở các thí sinh trúng tuyển sớm vào nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng vẫn phải thực hiện đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.
"Thí sinh cần đặt nguyện vọng đã trúng tuyển lên vị trí cao nhất - nguyện vọng 1. Nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển", Vụ trưởng nói.
Bà Thủy cũng lưu ý, nếu thí sinh được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó không còn giá trị. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Bình luận