GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, theo quan sát chung, phổ điểm các môn thi tốt nghiệp năm 2021 không quá nhiều khác biệt so với năm 2020, điểm trung bình và điểm trung vị có dao động lên và xuống nhẹ ở các môn.
Trong bối cảnh chỉ tiêu năm 2021 của các trường không đột biến nhiều, phổ điểm thi lại khá ổn định so với năm 2021, vì vậy sẽ không đột biến lớn trong điểm chuẩn năm nay, dù các ngành top trên có thể nhỉnh hơn từ khoảng 1 - 2 điểm.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đối với các tổ hợp thuộc khối C và D truyền thống, dự kiến điểm chuẩn vào các trường có lẽ sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào, nếu có sẽ rơi với các tổ hợp khối D.
Dựa vào mức điểm thi của thí sinh năm nay, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dự kiến điểm chuẩn năm 2021 đối với 31 chương trình tuyển sinh của trường về căn bản sẽ như phổ điểm của năm 2020, đặc biệt là khi chỉ tiêu và số nguyện vọng đăng ký năm 2021 vào các chương trình về căn bản không khác biệt gì so với năm trước đó.
"Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2020 của trường để xác định mục tiêu phù hợp cho bản thân mình. Riêng đối với các tổ hợp liên quan đến ngoại ngữ, trong những năm qua, số lượng thí sinh dùng tổ hợp liên quan đến ngoại ngữ để xét tuyển vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày càng tăng. Vì vậy, năm nay, hy vọng sẽ có nhiều thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt đăng ký xét tuyển, đặc biệt là vào các ngành đào tạo chất lượng cao vốn yêu cầu sinh viên học khoảng 20 - 30% số lượng học phần bằng ngoại ngữ", thầy Anh Tuấn nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết thêm, điểm chuẩn các ngành vào khối D của trường các năm trước cao nhất cũng chỉ ở mức 26-27 điểm, dự kiến năm nay mức điểm này cũng không có nhiều biến động.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2021 số thí sinh thi tốt nghiệp nhỉnh hơn so với 2 năm gần đây.
Theo phổ điểm công bố của Bộ GD-ĐT, so sánh với phổ điểm tương ứng năm 2020 thì phổ điểm của 3 khối A00, A01, B00 năm nay có một số thay đổi nhỏ.
Cụ thể, đối với khối A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm hơn so với năm 2020 nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17 - 25 điểm cao hơn so với năm 2020.
Phổ điểm của khối B00 với đỉnh là 21 điểm, số thí sinh đạt mức điểm 17 - 23 cũng tăng lên so với năm 2020. Biến động lớn nhất xảy ra với khối A01, phổ dịch sang phải so với năm 2020, đỉnh là 22 điểm nhưng số lượng thí sinh được 21 - 27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020.
Từ những đánh giá về phổ điểm các khối thi chính sử dụng để xét tuyển vào ĐH Khoa học tự nhiên, thầy Linh dự báo điểm chuẩn các ngành Khoa học tự nhiên cơ bản giữ nguyên, một số ngành có điểm chuẩn năm 2020 ở mức 20 - 23 điểm có thể tăng nhẹ.
Tuy nhiên, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cũng cho rằng, việc điểm chuẩn tăng hay giảm sẽ còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó, như vậy cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào các điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn 1-2 năm gần nhất của các ngành đăng ký xét tuyển, so sánh với phổ điểm của năm 2021.
"Với các nguyện vọng 1 - 2, các em nên để những lựa chọn ngành/trường ưng ý nhất, có dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn 1 - 1,5 điểm với điểm thi. Tiếp theo là các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và dự báo chuẩn điểm giảm dần so với điểm thi. Để an toàn, vẫn nên chọn thêm 1 - 2 nguyện vọng ngành gần, ngành tương tự với ngành ưa thích nhất nhưng có dự báo điểm chuẩn thấp hơn hẳn điểm thi.
Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành/trường mà các em đã đăng ký (từ 3 - 5 điểm) thì cần phải cân nhắc lại, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên", thầy Linh lưu ý.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng lưu ý thí sinh có điểm thi cao, đăng ký vào các ngành "hot" cũng không nên chủ quan, bởi thực tế những năm trước nhiều thí sinh 25, 26 điểm vẫn trượt đại học.
Đặc biệt, thầy Linh lưu ý, trong thời điểm này, các thí sinh cần rà soát lại các ngành và trường đại học đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề, ví dụ nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc học tiếp sau tốt nghiệp.
Bình luận