• Zalo

Dự án treo và mong muốn đồng hành cùng với doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 08/06/2018 07:37:00 +07:00Google News

Dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất là “nỗi day dứt” của chính quyền, sự bức xúc của người dân, nhất là ở những đô thị lớn.

Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ có lỗi từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý mà còn khởi nguồn từ chính những bất cập trong cơ chế, chính sách. 

vnp_dat_dai_Me_Linhjpg

Đường vào dự án Khu biệt thự nhà vườn Nhung Nga (Mê Linh, Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Thắng/Vietnam+) 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để kết thúc những dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai kéo dài, các cấp chính quyền của Hà Nội đang nỗ lực “vạch lá tìm sâu” nhằm sớm trả lại nguồn lực đất đai cho tăng trưởng. Câu chuyện ở huyện Mê Linh – một địa bàn in đậm những yếu tố do lịch sử để lại sau 10 năm sáp nhập địa giới hành chính là một thực tế cho thấy, con đường đi đến kỳ vọng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp không chỉ toàn "hoa hồng."

Những tồn tại lịch sử

Với “tấm giấy thông hành” đô thị dịch vụ gắn với vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ thân thiện môi trường," huyện Mê Linh từ khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm sáp nhập vào Hà Nội luôn là “địa chỉ đỏ” của nhà đầu tư với tầm nhìn “đi tắt đón đầu” về sự phát triển của thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, khi cơn “sốt ảo” bất động sản qua đi đã kéo theo nhiều dự án bị “mất đà,” dừng triển khai, gây ách tắc trong phân phối nguồn lực đất đai ở cơ sở.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh, trong tổng số 47 dự án nhà ở, khu đô thị sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện với tổng diện tích đất 2.445 ha, có 15 dự án chưa triển khai giải phóng mặt bằng do phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; 13 dự án đã giải phóng mặt bằng xong, chậm hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng; 22 dự án vướng mắc khâu bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

vnp_anh_1 3

 Hiện Công ty Cổ phần Bất động sản AIC đang nỗ lực tiến hành giải phóng mặt bằng được 44ha và thi công hạ tầng theo phương pháp “cuốn chiếu” đạt 80% khối lượng. (Ảnh: Nguyễn Thắng/Vietnam+)

Trăn trở trước hàng loạt các dự án đầu tư “cạn vốn, cỏ mọc dày” trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang giãi bày, đa số các dự án chậm triển khai đều được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất nên một số dự án không phù hợp quy hoạch phải điều chỉnh. Cũng bởi chủ đầu tư chưa thực hiện điều chỉnh xong quy hoạch theo các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nên địa phương chưa có cơ sở xác định chính xác vị trí khu đất thương phẩm phải thu hồi để lập hồ sơ trình Ủy ban Nhân dân thành phố tiến hành thu hồi và giao đất, lập phương án sử dụng đất thương phẩm.

Khó khăn, vướng mắc lớn nữa đối với huyện Mê Linh là sự bất cập, mâu thuẫn về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trước và sau khi sáp nhập về Hà Nội. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chấp hành pháp luật đất đai của các chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, người dân yêu cầu được giao đất dịch vụ theo quy định của tỉnh Vĩnh Phúc hoặc trả theo chính sách hiện hành của Hà Nội nhưng suốt nhiều năm qua câu chuyện này vẫn không thể giải quyết được bởi vướng ở cơ chế chính sách, tạo ra hệ lụy lớn về bồi thường mặt bằng. Sự chậm trễ này là điểm bùng phát hàng loạt khiếu kiện. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều dự án vướng phải cản trở quyết liệt của các hộ dân - ông Quang cho biết.

Mặt khác, nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính không có khả năng thực hiện dự án, không liên hệ với huyện để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng... cũng gây khó khăn cho huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc. Đặc biệt, các tuyến đường quy hoạch của thành phố chưa được đầu tư xây dựng dẫn đến một số dự án không có đường giao thông kết nối với hạ tầng khung nên khó khăn trong triển khai dự án...

Mấu chốt thuộc về doanh nghiệp

Thời buổi kinh tế thị trường, có lợi thì chen chân, bất lợi thì hết mặn mà nên tình trạng dự án “đánh trống bỏ dùi” theo đà lao dốc của thị trường bất động sản không chỉ gây thất thu ngân sách, cản trở tiến trình phát triển chung của địa phương mà còn ảnh hưởng đến những hộ dân đã bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhưng ở huyện Mê Linh vẫn có những chủ đầu tư đã rất nỗ lực triển khai dự án, khẳng định nguyện vọng gắn bó lâu dài với địa phương.

Đơn cử như Dự án Khu đô thị Làng Hoa Tiền Phong chỉ cách trung tâm Thủ đô 15km của Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Giang, với tổng diện tích 40ha, liên quan đến gần 900 hộ dân có đất bị thu hồi. Đến nay, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, do thành phố chưa chấp thuận cho doanh nghiệp dùng 10.329m2 đất thương phẩm tại dự án để trả đất dịch vụ nên người dân vẫn không cho doanh nghiệp vào triển khai dự án.

“Nếu thành phố không kiến nghị Chính phủ vào cuộc giải quyết dứt điểm vướng mắc về chính sách này thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng giải phóng mặt bằng mà dự án vẫn phải “đắp chiếu” - ông Nguyễn Doãn Hải - Phó trưởng Ban dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Giang chia sẻ.

Hay Khu đô thị AIC của Công ty Cổ phần Bất động sản AIC, dù trong vòng xoáy đi xuống của giá đất, doanh nghiệp này vẫn tích cực tiến hành giải phóng mặt bằng được 44ha và thi công hạ tầng theo phương pháp “cuốn chiếu” đạt 80% khối lượng.

Hiện chủ đầu tư này đang tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng theo kế hoạch đặt ra, tiến hành chi trả tiền bồi thường cho 265 hộ dân với tổng diện tích trên 116.798m2 đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung khác tại xã Mê Linh; đồng thời, đang hoàn thiện việc ký kết hợp đồng triển khai giải phóng mặt bằng với Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện và tiếp tục triển khai thi công đối với diện tích đất đã xong giải phóng mặt bằng.

Với cách giải quyết như trên của các doanh nghiệp, Khu đô thị AIC hay một số dự án trên vẫn được giới đầu tư kỳ vọng do khu vực này tới đây được hưởng những lợi ích lớn từ các dự án hạ tầng, đặc biệt là dự án cầu Hồng Hà đang được thúc đẩy, khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể từ Mê Linh tới nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, dự án Khu đô thị AIC cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết các chức năng như giao thông, cơ sở giáo dục, cây xanh...

Như vậy, nhiều hạng mục mà doanh nghiệp đã thực hiện, có khả năng vẫn phải điều chỉnh thay đổi lại và trong quá trình "chờ" quy hoạch thì dường như dự án "bất động", chưa nói đến việc thị trường vẫn ảm đạm. 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa phát huy nguồn lực của doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi Nhà nước, hài hòa lợi ích nhân dân với một tầm nhìn chung là những chỉ tiêu tăng trưởng của địa phương? 

Đồng hành nhưng kiên quyết

Đồng hành cùng doanh nghiệp, mong muốn có nhiều dự án đầu tư vào địa bàn là quan điểm của huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch huyện Bùi Xuân Quang khẳng định. Với dự án dù chậm nhưng nếu phía doanh nghiệp vẫn có năng lực thực hiện huyện sẽ tích cực phối hợp và thậm chí sẽ kiến nghị thành phố hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, “đối với những doanh nghiệp không đủ năng lực, thiếu quyết tâm, trong khi dự án đã quá hạn giao đất thì huyện sẽ báo cáo thành phố, cương quyết thu hồi, dành đất cho các nhà đầu tư khác”, ông Quang cho biết. 

Từ kết quả thực hiện và những tồn tại, vướng mắc, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh đề nghị thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sử dụng hiệu quả diện tích đất dự án. Trường hợp chậm phải báo cáo thành phố để được xem xét, gia hạn. Nếu hết thời hạn, được gia hạn mà dự án vẫn chưa triển khai thì Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai, trừ trường hợp do bất khả kháng. Trên thực tế, có những dự án, huyện đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc tiến độ thực hiện nhưng chủ đầu tư cố tình không triển khai.

vnp_anh_3 4

Dự án Khu đô thị Làng Hoa Tiền Phong của Công ty cổ phần Minh Giang, với tổng diện tích 40ha. (Ảnh: Nguyễn Thắng/Vietnam+) 

"Trước mắt, huyện Mê Linh rất mong muốn thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương giao đất dịch vụ theo Báo cáo số 121/BC- UBND ngày 26/4/2018 để “thanh lý” những trường hợp tồn tại kéo dài do yếu tố lịch sử; đồng thời, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra 15 dự án chưa triển khai giải phóng mặt bằng và có thời hạn cho dự án thực hiện, nếu chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành, huyện kiên quyết kiến nghị thành phố xử lý theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai," ông Quang cho hay.

Hiện một số dự án đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và xong khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư tiến hành thi công nhưng vẫn vấp phải sự ngăn cản từ phía người dân chủ yếu liên quan đến đất dịch vụ như: Khu biệt thự nhà vườn Nhung Nga, Khu nhà ở Minh Đức, Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và mở rộng, Khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Huyện Mê Linh đã đề nghị thành phố có hướng chỉ đạo nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quản lý đất đai luôn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân và đã được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo. Song, để đem đến một quan hệ “win-win” (cùng thắng) giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhằm chấm dứt “quy hoạch treo, dự án chậm” như ở huyện Mê Linh vẫn cần một chính sách minh bạch, đồng bộ và quyết liệt.

Điều đáng ghi nhận, trong tiến trình tìm lời giải cho bài toán hóc búa này, một mặt, chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng những doanh nghiệp có nhiều cố gắng và thiện chí nhưng cũng cần giữ thái độ kiên quyết đối với các doanh nghiệp chây ỳ, vi phạm pháp luật.

Nguồn: vietnamplus.vn
Bình luận
vtcnews.vn