Thời hoàng kim, các Cty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) tha hồ xin đất để làm dự án ở huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Tuy nhiên, “giấc mơ công nghiệp hóa vùng nông thôn” ở huyện này vừa chợt lóe đã vội tắt khi Vinashin vỡ nợ, khiến hàng ngàn hộ nông dân ở đây không còn phương tiện sản xuất, trong khi hàng trăm hécta đất bỏ hoang không có cách nào lấy lại được, còn tiền bồi thường thì chờ dài cổ…
Xót xa hàng trăm hécta đất bỏ hoang
Đầu năm 2007, UBND xã Lâm Động nhận được thông báo của huyện Thủy Nguyên, yêu cầu thu hồi hơn 75ha đất, chủ yếu là đất trồng lúa và đầm nuôi trồng thủy sản để xây dựng Nhà máy đóng tàu Lâm Động của Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ (CNTT) Thành Long.
Sau đó, xã ra thông báo đến các hộ dân dừng trồng lúa, đầu tư nuôi trồng thủy sản, cũng như dừng việc xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng...
Tiếp đó, xã lại nhận được lệnh thu hồi 50ha đất của hơn 50 hộ dân cho dự án Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền của Cty CP CNTT Shinec (đơn vị góp vốn của Vinashin) và 12ha đất nông nghiệp cho dự án xây dựng nhà máy của Cty đóng tàu Sông Cấm.
Dự án đóng tàu của Tổng Cty CNTT Nam Triệu hiện bỏ hoang. |
Xã Tam Hưng hiện đang tồn hai dự án “treo” của Tổng Cty CNTT Nam Triệu. Dự án xây dựng khu chung cư cho CBCNV với diện tích 2,5ha ở thôn Đoan đã được giải phóng mặt bằng từ năm 2008, nhưng vẫn để hoang từ đó.
Dự án xây dựng đà tàu 70.000 DWT và ụ tàu 100.000 DWT với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, được triển khai từ năm 2008, sau nhiều lần gia hạn, điều chỉnh quy hoạch, đến nay vẫn không nhúc nhích. Để lấy đất cho dự án này, chính quyền đã phải thu hồi trên 65ha đất của gần 500 hộ dân.
Tại xã Hoàng Động, dự án Nhà máy đóng tàu Vinashin An Dương của Cty CP kỹ thuật công trình thủy Vinashin - lấy khoảng 69ha đất của dân, đã kiểm kê, lập phương án bồi thường - đến nay vẫn là vùng đất hoang.
Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy đóng tàu của Cty TNHH MTV Tổng Cty CNTT Phà Rừng, với tổng mức đầu tư hơn 4.876 tỷ đồng, trên diện tích đất gần 93ha ở thị trấn Minh Đức, được khởi công cuối năm 2006, đã giải phóng mặt bằng xong, thi công được một số hạng mục rồi cũng bỏ dở.
Dự án khu vui chơi, giải trí thể thao văn hóa, du lịch sinh thái Quang Minh của Cty CP đầu tư du lịch Quang Minh - Vinashin, rộng 151ha ở xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên.
Giai đoạn I của dự án đã thu hồi 51ha, Cty được giao 8,1ha; còn lại mới được kiểm kê nhưng chưa bồi thường cho dân. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, dự án không thể thực hiện được.
Thừa đất bỏ hoang, thiếu đất canh tác
Ông Vũ Hữu Mai - Chủ tịch UBND xã Lâm Động - cho biết chưa nhận được tiền đền bù, lại vừa xót vì đất bỏ hoang, vừa không có đất làm ăn, bà con nông dân đã canh tác trở lại; nhưng vì đất đã được quy hoạch nên không ai dám đầu tư, tu bổ kênh mương, đê kè... Vì thế, năng suất thấp, thậm chí mất trắng do ngập úng...
“Đáng tiếc nhất là những đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ giờ trở nên hoang hóa. Một số chủ đầm tiếc đất và công sức đã trồng chuối chứ không dám đầu tư, cải tạo để nuôi trồng thủy sản” - ông Mai xót xa.
Ông Lại Văn Đức (ở thôn Do Lễ, xã Tam Hưng) bức xúc: “5 anh em tôi thuê hơn 8 mẫu khu Đầm Cống và đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, kể từ khi có dự án vào, việc nuôi trồng thủy sản bị đình trệ và bỏ hoang từ đó đến nay”.
Trong khi đó, các xã cũng muốn tạo điều kiện cho các hộ thuê lại đầm trong thời hạn ngắn - khoảng 1 năm, nhưng người dân không đồng ý vì bỏ công sức, tiền bạc đầu tư hàng trăm triệu đồng thì thời hạn thuê phải từ 3-5 năm mới đủ thu hồi vốn.
Đất nông nghiệp thì thế, đất ở còn khổ hơn. Tại xóm Bến, xã Lâm Động, hàng chục nóc nhà xiêu vẹo, sắp đổ nhưng không được phép xây dựng lại.
Anh Nguyễn Văn Bình cho biết: Vợ chồng anh và hai con nhỏ vẫn ở căn nhà mái ngói do bố mẹ xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, có thể đổ bất cứ lúc nào. Anh chỉ mong, nếu dự án thực hiện thì bồi thường, bố trí tái định cư, còn không thì cho gia đình anh được xây dựng lại căn nhà để yên tâm sinh sống.
Chưa thu hồi vì chưa có nhà đầu tư mới?
Theo lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, những dự án này nếu chiểu theo quy định thì hầu hết đều vi phạm thời hạn đầu tư, nên có thể thu hồi đất.
Tuy nhiên, do một số chủ đầu tư đã bồi thường cho dân một phần, thì khi thu hồi đất phải trả lại cho nhà đầu tư khoản đó.
Vì thế, phương án tối ưu là tìm nhà đầu tư mới để thay thế. Hơn nữa, theo quy chế phối hợp giữa Thành ủy Hải Phòng và Đảng ủy Vinashin ký năm 2011, thành phố tạo điều kiện để Vinashin giới thiệu các nhà đầu tư khác vào đầu tư tiếp để thu hồi vốn. Nhưng, do khó khăn nên đến nay vẫn chưa giới thiệu được nhà đầu tư khác thay thế.
Theo ông Nguyễn Văn Viển - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, huyện Thủy Nguyên - huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị thành phố xin ý kiến của Chính phủ, nhưng đến nay, do các đơn vị đang trong thời gian tái cơ cấu nên hầu hết các dự án đều để nguyên hiện trạng dang dở.
Điều đó có nghĩa rằng, hàng trăm hécta đất nông nghiệp muôn đời nay của người dân vẫn tiếp tục bỏ hoang, trong khi dân không còn đất canh tác.
Theo LaoDong
Bình luận