Chiều 15/6, tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 14, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến dự án nạo vét kênh Sào Khê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đội vốn lên 36 lần, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký kiêm người phát ngôn Văn phòng Quốc hội cho biết việc vốn “nở” ra là “có cơ sở”.
“Liên quan đến dự án nạo vét kênh Sào Khê, cái này liên quan đến Tràng An. Đây là công trình chúng ta chào đón 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lúc đầu, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án là 72 tỷ đồng. Nhưng sau đó qua 4 lần điều chỉnh về vốn, bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương thì vốn tăng lên thành 2.600 tỷ đồng.
Qua rất nhiều lần, từ 2003, 2004 rồi một số cơ quan như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã xem xét kiểm tra, đặc biệt là khâu kiểm toán.
Chúng ta mới nghe từ 72 tỷ đồng mà nhảy lên 2.600 tỷ đồng thì sợ lắm nhưng xem báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tôi thấy có ý nói đến rất nhiều những lần điều chỉnh mục tiêu của dự án, vì thế mà nhu cầu cũng tăng lên. Cái này cũng không có gì khác biệt cả.
Tỉnh Ninh Bình đã có giải trình, khi hỏi thì Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình cũng có giải thích là vốn đó “nở” ra. Nghe thì thấy sợ, nhưng mà xem xét lại thì nó có những cơ sở của nó”, ông Phúc cho hay.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc dự án “nở” vốn lên 36 lần sau 4 lần điều chỉnh mục tiêu đều được Thủ tướng khi đó thông qua và có quyết định cho việc này.
“Việc phân bổ vốn thì Thủ tướng cũng đã có quyết định về nguồn vốn qua 4 lần điều chỉnh mục tiêu. Đặc biệt là phục vụ cho mục tiêu liên quan đến việc trình UNESCO công nhận di sản Tràng An là di sản của thế giới”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Trước đó, dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt vào tháng 6/2001 với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tháng 5/2003, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ nhất) nâng mức đầu tư lên 189 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (hiện là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) và nhà thầu trúng thầu là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Tháng 4/2005, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ hai), điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 399,695 tỷ đồng do nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2007. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được cho phép tiếp tục thực hiện các hạng mục bổ sung công trình của dự án.
Đến tháng 12/2009, UBND tỉnh Ninh Bình lại ban hành quyết định phê duyệt lại dự án (lần thứ 3) với tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 2.595 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Dự án có 4 hạng mục lớn gồm: phần thủy lợi, công trình cầu, công trình kiến trúc văn hóa và đường giao thông.
Trả lời báo chí liên quan đến dự án này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết dự án Sào Khê được đồng thuận từ Trung ương.
“Ban đầu, tỉnh chưa nhìn ra những tiềm năng du lịch của dự án mà chỉ xem xét ở khía cạnh nông nghiệp. Trong quá trình làm, các nhà đầu tư và các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cũng nhận thấy trách nhiệm đối với một vùng đất cố đô nên đồng thuận cho Ninh Bình mở rộng, điều chỉnh dự án”, bà Thanh cho hay.
Bình luận