Tối 2/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, liên quan đến dự án nạo vét kênh Sào Khê (Ninh Bình), thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng, nguyên nhân đội vốn dự án này là do thay đổi mục tiêu nhiệm vụ của dự án.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết: “Dự án này trong thời gian qua cũng được nhiều Đại biểu Quốc hội chất vấn và cũng được nhiều đại biểu là lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trả lời chất vấn. Quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án kéo dài thời gian cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án.
Về dự án này, có thời gian thực hiện rất là lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có những đoàn thanh tra tiến hành thanh tra như là đoàn thanh tra của Bộ Tài chính tiến hành thanh tra năm 2005, đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2012, cũng như của Kiểm toán Nhà nước năm 2017”.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về dự án này, trên cơ sở đó có căn cứ để xem xét có thanh tra, kiểm tra hay không, hoặc có kiến nghị phù hợp với các cơ quan khác.
Trước đó, dự án nạo vét, kè đá 2 bên bờ sông Sào Khê (dự án Sào Khê) tại Ninh Bình đang gây tranh cãi tại Quốc hội những ngày qua. Công trình do UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sau đó bị đội vốn thành 2.595 tỷ đồng, gấp 36 lần.
Được biết, không chỉ có dự án này, tại Ninh Bình, rất nhiều dự án khác cũng đang tăng vốn từ 2-5 lần mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra tại các kết luận mới đây như dự án nạo vét sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu (ngã 3 sông Hoàng Long giao với sông Đáy) đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy có chiều dài 77 km được đầu tư theo Quyết định 896 ngày 30/9/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự kiến ban đầu, dự án có tổng vốn 2.078 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, triển khai từ năm 2010 đến 2015. Nhà thầu thi công là tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình (từ tháng 7/2015 đổi thành Thai Group). Sau 2 năm triển khai, từ năm 2012, dự án này được điều chỉnh lên 9.720 tỷ đồng (tăng 7.642 tỷ đồng).
Cũng theo TTCP, Ninh Bình còn có 9 dự án khác cũng đội vốn từ vài trăm tỷ đến cả nghìn tỷ. Điển hình như Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoàn từ Bái Đính đi Kim Sơn do Sở NN&PTNN làm chủ đầu tư.
Dự án này đã đội vốn từ 1.650 tỷ đồng lên 3.806 tỷ đồng, gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu...
Bình luận