Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương đưa ra các phương án khắc phục, sớm đưa tiểu dự án tưới tiêu ở thôn Tiến Cường đi vào hoạt động. “UBND tỉnh đã họp và thống nhất không hình sự hóa vụ việc (không chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra). Tỉnh đề nghị chủ đầu tư đưa ra phương án khắc phục, để công trình sớm đưa vào vận hành phục vụ tưới tiêu”, ông Nghị cho hay.
Còn ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đơn vị thẩm định thiết kế tiểu dự án trên) cho biết, chủ đầu tư đã thống nhất đưa 3,2 tỷ đồng kinh phí dự phòng của tiểu dự án để khắc phục sự cố vỡ, rò rỉ đường ống. “Tới đây chúng tôi yêu cầu các bên thử áp từng đoạn để xác định nguyên nhân, khắc phục triệt để sự cố ở công trình. Quá trình thi công ghép các ống với nhau (khoảng cách các ống 6m) có thể có một số vị trí nào đó bị lệch, hoặc hở roăng cao su gây nên hiện tượng rò rỉ đường ống”, ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long không khẳng định, sau khi thử áp từng đoạn (như trên) đường ống tại dự án sẽ không tiếp tục bị vỡ, rò rỉ. “Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước, việc thử áp này, có đơn vị tư vấn chuyên môn sâu hơn. Trên cơ sở có kết quả từ đơn vị tư vấn, chúng tôi chỉ trả lời theo họ thôi (cung cấp kết quả khắc phục sau khi có kết quả thẩm định-PV)”, ông Long thông tin thêm.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo hôm 6/5, ông Nguyễn Thành Long khẳng định, công tác thẩm định kết quả thi công công trình rất nghiêm túc, đúng trình tự, thẩm quyền, không qua loa. Cụ thể, theo quy định về xây dựng cơ bản thì dự án được thiết kế 2 bước gồm: Thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công. Tại bước thiết kế cơ sở được thẩm định và phê duyệt, trong quá trình thiết kế, phương án thiết kế cũng đã được góp ý của các cán bộ chuyên môn thuộc tổ tư vấn ADB theo quy định của nhà tài trợ và cục quản lý xây dựng công trình...
Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Đắk Lắk do Sở Xây dựng chủ trì, vừa có báo cáo kết luận xác định nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến tiểu dự án tưới tiêu tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng, bằng vốn vay chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk. Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk. Công trình được khởi công ngày 14/10/2019, dự kiến đến ngày 30/6/2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do liên tục gặp sự cố.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, quá trình vận hành chạy thử có 13 lần vỡ, rò rỉ đường ống. Nhà thầu thi công dự án (Liên danh Phát triển nông thôn - Kỳ Nguyên - Bình Nguyên, gồm Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên). Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cenco (Công ty Cenco, trụ sở ở Hà Nội); đơn vị thẩm tra là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại NEWSTECH.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Đắk Lắk, đơn vị thiết kế không tính toán lực nước va chạm với tuyến đường ống uPVC dẫn nước từ hồ Buôn Yông về trạm bơm là không đảm bảo; chọn vật liệu ống uPVC sai, bởi vì, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế (QCVN 04-05:2012/BNNPTNT) của Bộ NN&PTNT, chất liệu đường ống này áp dụng tính toán có kết cấu và nền công trình bê tông cốt thép. Ngoài ra, đơn vị thiết kế còn áp dụng sai các tiêu chuẩn theo quy định dẫn đến việc tính toán lựa chọn đường ống chịu áp lực không đảm bảo.
Còn đơn vị thi công cũng làm không đúng bản vẽ thiết kế. “Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống và rò rỉ nước tại khớp nối của của tiểu dự án (giai đoạn vận hành thử và thử áp) là do những tính toán, thiếu sót của thiết kế, cộng thêm việc triển khai thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế. Trường hợp triển khai đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, công trình cũng không thể đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng”, kết luận của Đoàn kiểm tra UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.
Bình luận