Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Dự án FMCR tại tỉnh Nghệ An thực hiện trên địa bàn 38 xã và 1 Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc 5 huyện/thị ven biển TP Vinh, Thị xã Hoàng Mai và các huyện Nghi Lộc, Diễn châu và Quỳnh Lưu.
Trong đó đã thực hiện hoàn thành 8 công trình và đã bàn giao đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả hết sức ý nghĩa.
Tiêu biểu như Dự án Nâng cấp, sửa chữa kè chống sạt lở bờ sông Hàu xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) với mục tiêu Nâng cấp, sửa chữa kè chống sạt lở bờ sông Hàu đoạn từ cầu Hàu đến đê Mỹ Hòa và đoạn từ cầu Hàu đến cống Tiêu, xã Tiến Thủy có chiều dài 550m. Đây là tuyến kè có mục đích quan trọng trong việc ngăn xâm nhập mặn, ngập lụt do thủy triều dâng, bảo vệ cuộc sống cho 325 hộ với 1.287 người dân của thôn Phong Thái. Ngoài ra là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối khu vực rừng phòng hộ, cảng cá Lạch Quèn với đường tỉnh lộ 537B.
Trước khi được nâng cấp tuyến kè được xây dựng từ năm 2016, kết cấu thân kè và mặt kè chủ yếu là đất. Sau thời gian sử dụng mặt kè, thân kè đã bị xuống cấp, hư hỏng, nhiều chỗ bị sạt lở, sụt lún, rạn nứt và xói mòn gây hỏng chân kè, dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Ngoài ra, khu neo đậu tàu thuyền xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, gió bão. Vào mùa mưa bão hằng năm, sóng biển vào bờ vỗ vào mặt và mái đê (đỉnh sóng dâng cao 1m đến 2m), nước tràn qua đỉnh đê làm hư hỏng mặt đê và sạt lở mái một số đoạn. Do đó, hàng năm người dân trong khu vực dự án thường bỏ ra rất nhiều công sức trong việc sửa chữa và tu bổ đê. Mặt khác, cống thoát nước thải qua thân kè rất nhỏ dẫn đến tắc nước thải sinh hoạt và sản xuất chế biến hải sản của các hộ dân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, sau khi được nâng cấp, sửa chữa kè chống sạt lở bờ sông Hàu, dự án có ý nghĩa trong việc ngăn lũ, lụt, thủy triều dâng gây ngập lụt cho khu dân cư thôn Phong Thái và các thôn Phong Thắng, Phòng Tiến, Tiến Mỹ thuộc xã Tiến Thủy, bảo vệ cuộc sống người dân.
Điều này có ý nghĩa to lớn trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển. Dự án hoàn thành đã góp phần cải thiện tình hình giao thông nông thôn của địa phương, giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hóa thủy sản, lâm sản, các hoạt động hậu cần nghề cá thuận lợi. Xe ô tô đi lại được thuận tiện, lượng hàng hóa, lâm sản, thủy sản được vận chuyển tăng lên, thời gian vận chuyển được rút ngắn do giảm quá trình trung chuyển. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương, giảm chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm cho nông dân và cộng đồng. Giải quyết được nhu cầu tránh trú bão cho tàu thuyền khai thác thủy sản thôn Phong Thái và các thôn lân cận.
Dự án còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ rừng và phóng cháy chữa cháy rừng của lực lượng chức năng tại xã Tiến Thủy do cải thiện đường giao thông đi ra rừng phòng hộ. Đặc biệt là cải thiện môi trường sinh thái cho các hộ dân xung quanh khu vực kè.
Bình luận