Video: Trịnh Xuân Thanh buồn bã rời tòa sau khi tòa tuyên án
Sáng 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC. Bản án được chủ tọa phiên tòa đọc trong gần ba tiếng đồng hồ.
Phần lớn mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS
Theo đó, cựu chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng bị 13 năm tù về tội cố ý làm trái... Cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bị 14 năm tù về tội cố ý làm trái…, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. 20 bị cáo còn lại lãnh mức án từ ba năm tù treo đến 22 năm tù về tội cố ý làm trái… hoặc tội tham ô tài sản (mời bạn đọc xem thêm trên plo.vn).
17/22 bị cáo (trong đó có ông Đinh La Thăng) bị hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3-5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính. Mỗi bị cáo trong nhóm tội tham ô (trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh) còn bị phạt tiền 20-50 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong nhóm tội cố ý làm trái… phải bồi thường cho PVN hơn 119 tỉ đồng, trong đó hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường mỗi người 30 tỉ đồng.
Các bị cáo trong nhóm tội tham ô phải liên đới bồi thường cho PVC hơn 11 tỉ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh bồi thường gần 4,4 tỉ đồng. HĐXX xác nhận ông Thanh đã nộp 4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả tham ô nhưng vẫn tuyên tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Như vậy, phần lớn các bị cáo được HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS trước đó.
Mỗi dự án có thể trở thành một vụ án
“Đây là vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận hết sức quan tâm” - HĐXX nhận định.
Đối với hành vi cố ý làm trái…, theo HĐXX, quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, vì nhiều động cơ khác nhau, các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm..., gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Video: Tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Đối với hành vi tham ô tài sản, các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh (đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC) đã câu kết với nhau và với doanh nghiệp (DN) bên ngoài lập hồ sơ quyết toán khống để chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng không những phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ chủ chốt, từ lãnh đạo tập đoàn đến các đơn vị thành viên của PVN bị xử lý, trong đó có nhiều chuyên gia, nhiều người từng là những nhà khoa học ngành dầu khí...
Ngoài ra, PVC cũng được PVN chỉ định thầu một số dự án khác như ethanol Dung Quất, ethanol Phú Thọ, xơ sợi Đình Vũ..., cho đến nay được Chính phủ xác định là đang thua lỗ, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
“Mỗi dự án như vậy có thể trở thành một vụ án. Lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự khác” - HĐXX nhấn mạnh.
Bản án là sự cảnh báo cần thiết
“Quyết định chỉ định thầu cho một DN không đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý và chuyên môn là trái pháp luật và trái với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, gây nghi ngờ lớn trong nhân dân về sự minh bạch của chủ trương và tính thanh liêm của cán bộ thực hiện. Hậu quả của những vi phạm trên là đặc biệt nghiêm trọng” - HĐXX khẳng định.
HĐXX xác định ông Đinh La Thăng đóng vai trò quyết định, từ việc chỉ định thầu, ký kết hợp đồng không đủ điều kiện, tạm ứng hợp đồng trái quy định, tạo tiền đề để Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo và quyết định việc sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích...
“HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như tình tiết giảm nhẹ được quy định trong BLHS nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai.
Một bản án có tình, có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước và nhân dân” - HĐXX nêu rõ.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN như Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn... được xác định phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng phạm tội do chịu sức ép của cấp trên, không tư lợi nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Riêng bị cáo Thực còn là nhà khoa học, được Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh... nên được HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Hậu quả phải tính trên nhiều khía cạnh
Theo kết luận giám định, ông Đinh La Thăng và các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỉ đồng (gồm tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng cho dự án và lãi suất phát sinh tới ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích).
Tại phiên tòa, một số luật sư, bị cáo nói việc giám định không đúng, không khách quan, không đầy đủ dẫn đến quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo không chính xác. HĐXX cho rằng hội đồng giám định đã tuân thủ triệt để các quy định của Luật Giám định tư pháp, từ đó xác định thiệt hại từ hành vi làm trái của các bị cáo là 119 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo HĐXX, hậu quả của việc chỉ định thầu và tạm ứng trái phép cần phải được tính toán cẩn thận trên nhiều khía cạnh.
Video: Toàn bộ diễn biến phiên xử Đinh La Thăng và đồng phạm
Cụ thể, hàng loạt cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý.
Do không có năng lực thi công, PVC đã thi công dự án NMNĐ Thái Bình 2 chậm tiến độ 18 tháng, làm đội vốn hàng ngàn tỉ đồng, lãi suất phát sinh đối với các khoản vay trong, ngoài nước đến nay Nhà nước vẫn phải trả.
Máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành trong khi nhà máy chưa vận hành nên tổn thất này không thể tính toán trong giai đoạn điều tra, sẽ tiếp tục phát sinh trong vụ án sau.
PVN tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng trái quy định trong dự án NMNĐ Thái Bình 2. Khoản tiền này sau một thời gian dài mới được trả lại cho ban quản lý dự án.
“Hơn 1.000 tỉ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép. Nếu tất cả bộ, ngành, địa phương đều tùy tiện sử dụng tiền tạm ứng như vậy sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế” - HĐXX nhận định và cho rằng việc xác định thiệt hại phải tính ngay từ khi PVN tạm ứng trái phép cho PVC, việc trả lại chỉ là tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, PVN là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu của nhiều dự án khác đang hằng ngày phải trả lãi suất cao cho ngân hàng.
Bị cáo Đinh La Thăng và HĐTV PVN biết rất rõ về điều này nên cách tính thiệt hại như kết luận giám định là rất có lợi cho các bị cáo.
“HĐXX sẽ tiếp tục kiến nghị CQĐT làm rõ các thiệt hại xảy ra do việc chậm tiến độ của dự án NMNĐ Thái Bình 2” - HĐXX nêu rõ.
Ba kiến nghị của HĐXX
Thứ nhất, theo công văn báo cáo của PVC, đến ngày 10-1-2018 đã thu hồi hơn 1.240 tỉ đồng tiền tạm ứng của dự án NMNĐ Thái Bình 2 từ các nguồn tăng vốn điều lệ, thoái vốn và thu hồi từ các dự án khác...
Như vậy PVC đã sử dụng nguồn tiền khác để bù vào các khoản tiền chi trái phép từ nguồn tiền tạm ứng dự án này. Khoản tiền chi trái mục đích hiện chưa thu hồi được nên HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ việc sử dụng khoản tiền 1.115 tỉ đồng tạm ứng cho dự án NMNĐ Thái Bình 2 bị sử dụng trái mục đích.
Thứ hai, dù PVC không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm chuyên môn để thi công các dự án nhưng ngoài việc được chỉ định làm tổng thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVC còn được chỉ định thầu xây dựng nhiều dự án lớn khác như ethanol Dung Quất, ethanol Phú Thọ, xơ sợi Đình Vũ... cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát, thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng. HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ việc thất thoát này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, với việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án NMNĐ Thái Bình 2 và các dấu hiệu sai phạm khác tại PVN và PVC, HĐXX kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đủ điều kiện phạt tử hình Trịnh Xuân Thanh
Theo HĐXX, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch HĐQT PVC, có vai trò chính trong việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng 33 trái quy định của pháp luật, xin cấp tạm ứng khi chưa đủ điều kiện và quyết định sử dụng tiền tạm ứng trái pháp luật.
Đối với hành vi tham ô, bị cáo giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau, trong đó bị cáo chiếm hưởng 4 tỉ đồng.
“Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đủ điều kiện để áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 với mức án là tử hình.
Tuy nhiên, xét bị cáo và gia đình đã tự nguyện khắc phục 4 tỉ đồng, gia đình bị cáo đều là cán bộ có công với Nhà nước, tại phiên tòa phần nào đã nhận ra sai phạm, đồng thời HĐXX cũng cân nhắc toàn diện vụ án, thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo thì cũng đủ để giáo dục răn đe và phòng ngừa chung” - HĐXX kết luận.
Bình luận