Thị trường bất động sản ngày càng đón nhiều nguồn cung. Vì vậy, nhu cầu về vốn bất động sản ngày càng lớn. Các công ty cần vốn để phát triển dự án, người mua nhà cần vốn vay.
Thế nhưng, động thái "ngược" đã xảy ra. Trong khi các dự án ra mắt ngày càng dồn dập, nhiều ngân hàng lại có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng vào bất động sản.
Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB) là ví dụ mới nhất. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017, tại thời điểm 31/3, cho vay khách hàng tại MB là 151.381 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 150.738 tỷ đồng hồi cuối năm 2016.
Tổng tăng trưởng tín dụng tại MB là con số dương, nhưng dòng vốn đổ vào bất động sản tại ngân hàng này đang có xu hướng giảm. Trong quý 1, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại ngân hàng này chỉ còn 6.056 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 6.435 tỷ đồng hồi cuối năm 2016.
Giảm cho vay bất động sản, MB hướng dòng vốn vào tiêu dùng của các hộ gia đình. MB đã giải ngân 36.916 tỷ đồng cho hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình trong quý 1/2017.
Không phân tích dư nợ cho vay khách hàng theo ngành nghề kinh doanh trong báo cáo tài chính quý 1/2017, nhưng các ngân hàng khác như ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),,, đã cho thấy xu hướng giảm tỷ trọng cho vay bất động sản từ năm 2016.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, VPBank giảm mạnh cho vay bất động trong năm 2016. Nhóm ngành được ưu tiên cho vay nhiều thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với tỷ trọng 15,82%. Năm 2014, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tới 30% tổng dư nợ của VPBank thì sau 2 năm đã giảm một nửa.
Cũng giống như MB, VPBank dành vốn nhiều nhất cho nhóm hộ gia đình bao gồm hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (gần 26%).
BIDV cũng giảm mạnh tỷ trọng cho vay bất động sản. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, nguồn vốn cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 37.480 tỷ đồng, giảm so với con số 41.112 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ tăng mạnh từ 598.434 tỷ đồng lên 723.679 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm hoạt động cho vay xây dựng trong năm 2016. Năm ngoái, nguồn vốn cho vay xây dựng tại ngân hàng này giảm từ 5.174 tỷ đồng xuống 4.881 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều giảm vốn vào bất động sản, xây dựng. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cùng tăng mạnh dư nợ tín dụng bất động sản, xây dựng.
Dư nợ cho vay xây dựng tại Techcombank tăng từ 4.543 tỷ đồng lên 7.329 tỷ đồng, cho vay bất động sản tăng từ 17.580 tỷ đồng lên 24.182 tỷ đồng. Tại HDBank, tốc độ tăng trưởng còn mạnh hơn. Dư nợ cho vay bất động sản tăng vọt từ 1.558 tỷ đồng lên 4.679 tỷ đồng.
Trả lời phóng viên báo điện tử VTC News, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, giảm vốn vào bất động sản đang là xu hướng chủ yếu trên thị trường ngân hàng. Nguyên nhân là do Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36/NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo quy định, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh từ 60% xuống 50% và tỷ lệ rủi ro kinh doanh bất động sản được điều chỉnh tăng từ 150% lên 200%. Cả 2 quy định này đều khiến nguồn vốn vào bất động sản suy giảm vì đa phần cho vay bất động sản đều thuộc cho vay trung dài hạn.
Video: Tin nóng cho người đang vay gói 30.000 tỷ đồng
Bình luận