Tại cuộc họp về tình hình kinh tế TP.HCM 5 tháng đầu năm 2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm, ông Lê Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, những dự án trên mới ở quá trình lập đề xuất để xin chủ trương nghiên cứu tiền khả thi, chứ nhà đầu tư chưa được nhận đất hay đã có quyết định giao chủ trương chấp thuận đầu tư.
Tại một cuộc họp về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM, lãnh đạo Sở này cũng cho biết, hiện chưa nắm được thông tin gì về các dự án của tập đoàn Tuần Châu. Theo đó, sau khi tập đoàn này có thư đề xuất với lãnh đạo TP.HCM về việc có ý định thực hiện các dự án quy mô khá lớn trên, thành phố có giao các sơ ngành liên quan xem xét thư đề xuất này và cho ý kiến.
Sau đó chủ đầu tư đã trực tiếp làm việc với UBND TP.HCM và cũng đã từng lập các phương án đầu tư theo chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, cụ thể tiến độ công việc thế nào Sở Xây dựng không nắm được thông tin cho đến thời điểm hiện tại.
Mới đây, Sở Công thương Tp.HCM đã có thông tin rằng tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất dừng triển khai dự án Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hoá chất trên khu đất gần 20 ha tại quận 8 và huyện Bình Chánh (thay thế chợ Kim Biên, quận 5) - một trong số những dự án mà Tuần Châu đang có ý định đầu tư tại TP.HCM. Nguyên nhân là do phát sinh một số vướng mắc pháp lý sau khảo sát, đồng thời vị trí này cũng không phù hợp với quy hoạch của thành phố.
Video: Điểm lại những dự án nghìn tỷ của PVN
Thông tin này cũng đang thu hút được dư luận, người dân bởi ngoài dự án chợ Kim Biên thì Tuần Châu còn đang lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án khác tại vùng ven TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu cho biết, đối với dự án tuyến đường ven sông Sài Gòn, tập đoàn đang thực hiện theo các đề nghị của UBND TP.HCM về việc lập phương án nghiên cứu dự án tổng thể, tác động môi trường và kinh tế địa phương.
Do vậy, ngay trong tháng 5/2017 Tuần Châu đã thuê 5 tập đoàn thiết kế lớn của Mỹ, Anh và Pháp để phối hợp tiến hành lập dự án, như phương án đền bù giải tỏa, điều tra xã hội học, tính khả thi và đặc biệt là cơ cấu nguồn vốn đầu tư.
Cũng theo ông Tuyển, theo các cam kết đã được ký kết bằng văn bản giữa tập đoàn Tuần Châu và một số đối tác trong và ngoài nước, hiện số vốn đã chuẩn bị gần 4 tỷ USD đủ để triển khai dự án này. "Song song đó, thời gian qua chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều Bộ ngành liên quan, chính quyền TP.HCM về chiến lược triển khai các dự án thành phần. Dự kiến kế hoạch tổng thể sẽ được trình UBND TP.HCM trong cuối tháng này hoặc đầu tháng 8/2017 theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố." ông Tuyển nói.
Trước đó, đầu năm 2017 các đơn vị thuộc tập đoàn Tuần Châu đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất với TP.HCM một loạt các dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi, gồm: dự án Sài Gòn New City; Đại lộ ven sông Sài Gòn và hồ cảnh quan Trung tâm thành phố mới; dự án khu đô thị Cảng và bến du thuyền, thiền viện, du lịch tâm linh, biển nhân tạo, tạo sóng cao 3m lọc nước sạch, bảo đảm cho 10 nghìn người tắm tại huyện Cần Giờ và dự án di dời chợ “tử thần” Kim Biên.
Trong đó, dự án quan trọng nhất chính là tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, quận 1. Theo tính toán của nhà đầu tư, khi đại lộ ven sông hoàn thành (sau 18 tháng triển khai), sẽ tạo ra điểm nhấn cho TP.HCM và tạo ra quỹ đất có giá trị dọc theo con đường có diện tích gấp 15 lần diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.
Đối với dự án này, theo ông Đào Hồng Tuyển, nếu được chính quyền địa phương chấp thuận phương án đổi đất lấy hạ tầng, thì ông sẽ chọn Củ Chi và Cần Giờ với quỹ đất rộng hơn 15.000ha để đổi cho dự án tuyến đường ven sông. Từ đó, tập đoàn sẽ kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai dự án theo nhiều phương thức dựa trên bản thiết kế tổng thể đã trình các cấp liên quan từ Trung ương đến TP.HCM.
Bình luận