• Zalo

Dự án Bamboo Garden của CEO Group: Chuyển đổi nhà ở xã hội để hưởng ưu đãi?

Bất động sảnThứ Hai, 06/11/2017 11:23:00 +07:00Google News

Theo website của Sở Xây dựng Hà Nội, dù đã nhận hồ sơ đến đợt thứ 9, nhưng nhà ở xã hội của CEO vẫn ế ẩm.

Cụ thể, tại dự án Xây dựng NOXH Bamboo Garden tại ô đất CC-1, khu đô thị mới thuộc các lô đất N1 + N3, Khu đô thị Sunny Garden City, huyện Quốc Oai, Hà Nội có tổng số 432 căn, nhưng sau 9 đợt nhận hồ sơ, số lượng căn còn lại vẫn còn hơn 50%.

Theo đó, sau khi kết thúc đợt nhận hồ sơ thứ 9, số lượng căn còn lại là 251 căn trên tổng số 432 căn, số lượng căn hộ cho thuê còn 86 căn. Tại đợt nhận hồ sơ này, số lượng căn mở bán là 265 căn và 86 căn cho thuê, nhưng chỉ có 14 hồ sơ khách hàng nhận đăng ký mua.

bamboo

 Dự án Bamboo Garden.

Trong khi đó, để làm dự án này, CEO Group đã phải vay tiền ngân hàng BIDV. Cụ thể, theo hợp đồng tín dụng ngày 21/7/2014 với ngân hàng BIDV - chi nhánh Thanh Xuân. Sau đó, hợp đồng này được sửa đổi với hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng. Số tiền này được bổ sung hoàn thiện 330 biệt thự của dự án Sunny Garden City.

Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là Tòa tháp C.E.O (bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và cấc nguồn thu từ các hợp đồng giao dịch phát sinh của C.E.O Tower) và các biện pháp đảm bảo bổ sung khác.

Khu đô thị Sunny Garden City được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt vào năm 2007. UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định giao 244.174,5 m2 đất thuộc địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho CTCP Đầu tư CEO (CEO Group) thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới tại lô đất N1 và N3 thuộc Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Đến năm 2010, CEO đã hoàn thành các thủ tục pháp lý và tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng, cảnh quan dự án Khu đô thị.

Video: Điểm mặt các dự án bất động sản bỏ hoang nghìn tỷ đồng giữa thủ đô

Tuy nhiên, đến năm 2013, CEO bất ngờ có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng một phần dự án Sunny Garden City (huyện Quốc Oai, Hà Nội) sang làm nhà ở xã hội.

Cụ thể, khu đất CC – 1 xin chuyển đổi làm nhà ở xã hội. Khu đất này trước đó được quy hoạch làm khách sạn, văn phòng và chung cư cao cấp trong tổng diện tích 24,4ha của dự án.

Việc chuyển đổi này khiến nhiều người hy vọng khu đô thị sẽ thu hút được một lượng lớn người dân đến ở. Tuy nhiên, thực tế là sau 9 đợt nhận hồ sơ, nhà ở xã hội của CEO vẫn ế ẩm.

Trả lời trên báo Tiền phong, một nhân viên ban quản lý dự án nhà ở xã hội từng nói lên một thực tế là, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội như 1 "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp vào lúc thị trường bất động sản khó khăn. Cụ thể, theo nhân viên này: "Dự án nếu không chuyển sang NƠXH cũng chết, vì tiền sử dụng đất lớn, làm nhà thương mại không ai mua. Nay, dự án chuyển sang làm NƠXH bớt đi mấy chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cũng khó thoát cảnh ế ẩm”.

Cũng trả lời trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Hoàng Long, chuyên gia bất động sản, cho rằng: “Bản chất các dự án xin chuyển đổi là (những dự án) không đủ khả năng triển khai khi thị trường BĐS đóng băng. Chủ đầu tư xin chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay vốn ưu đãi… Đây có thể là chiêu của các doanh nghiệp giữ đất đợi thị trường ấm lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời.

Đối với dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden, dự án sở hữu một vị trí không mấy thuận lợi. Dự án nằm cách trung tâm thành phố khá xa, tầm trên dưới 20 km. Với vị trí như vậy, ngay cả đến những người có thu nhập thấp, họ cũng không mấy mặn mà với dự án này.

Trả lời trên báo Đời sống pháp luật, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nhà rẻ mà xa nơi làm việc thì chẳng khác nào mua nhà giá cao.

"Nơi ở phải gắn liền với nơi kiếm sống chứ ở nhà giá rẻ nhưng lại không thuận tiện về điều kiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt thì cũng không ích gì. Vấn đề kiếm sống là quan trọng nhưng lâu nay khi giải quyết vấn đề nhà ở, chúng ta lại không quan tâm đến việc đó. Nhà ở giá rẻ mà xây ở xa trung tâm, phía ngoại thành trong khi cơ sở hạ tầng, điều kiện ăn ở, học hành của con cái dân cư lại không được quan tâm thì chi phí sinh hoạt sẽ phát sinh rất lớn", ông Liêm nói.

Điều đáng nói, khi chuyển đổi dự án này chủ đầu tư và các cơ quan chức năng không biết đã tính đến vẫn đề nhu cầu của người dân hay chưa. Nhưng thực tế, đến nay dự án nhận hồ sơ đến lần thứ 9 cũng vẫn còn gần 50% căn hộ chưa có chủ. Hiện CEO cũng đang gặp khó tại dự án này khi hàng trăm tỷ đồng đầu tư ra mà chưa thể thu về.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn