• Zalo

Đốt vàng mã cầu xin thần thánh: Sự ngu muội, kệch cỡm, tham lam, chỉ suy nghĩ cho bản thân

Thời sựThứ Năm, 05/01/2017 07:31:00 +07:00Google News

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phương Đông cho rằng, tục đốt vàng mã vô tội vạ của người Việt đó là sự ngu muội, kệch cỡm, tham lam và chỉ suy nghĩ cho bản thân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt gần 50.000 tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho phong tục này. Mặc dù đã được cảnh báo đây là hành vi mê tín dị đoan nhưng việc buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng mã ngày càng phát triển và mở rộng.

Để hiểu đúng về tục đốt vàng mã của người Việt, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Diệp - Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phương Đông.

van-menh-cong-chua-nuoc-anh-la-so-dep-hiem-co-trong-lich-su-hoang-gia-2

TS Nguyễn Hoàng Diệp - Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phương Đông. 

- Tục đốt vàng mã của người Việt bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

Có một tích truyện kể lại rằng, vào đời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thạo đã về quê mở xưởng. Giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên bị ế không bán được. Tuệ Nương bèn giả chết để thực hiện phương kế bán giấy.

Ngày thứ 3, trước khi đi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ. Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: “Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian?”

Nói rồi Thái Mạc lại mang thêm 2 bó giấy nữa để đốt. Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt. Tin lành đồn xa, người các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến 2 ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch.

Ngoài ra, có rất nhiều điển tích về nguồn gốc của việc đốt vàng mã nên ta chưa thể kết luận được nó bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng, ở Việt Nam tục lệ này đã xuất hiện từ rất lâu.

- Theo ông, việc người Việt đốt vàng mã là đúng hay sai?

images1318747_midLgvQR

 Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Ảnh minh họa

Đốt vàng mã là một phong tục rất đẹp của người Việt vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Xưa kia, người ta chỉ để vài tập giấy nhỏ trên bàn thờ và khi lễ xong thì đốt rất ít để tưởng nhớ gia tiên.

Thế nhưng, ngày nay, tục đốt vàng mã cho người đã khuất có xu hướng ngày càng gia tăng. Không chỉ dừng lại ở việc đốt vài tập giấy bình thường, cuộc sống hiện đại "phú quý sinh lễ nghĩa", những người đang sống còn tìm đủ mọi cách để "gửi đồ" cho người âm. 

Tôi cho rằng, đốt nhà lầu, xe hơi, ti vi tủ lạnh, đô la... đó là sự biến tướng làm sai lệch ý nghĩa của nét văn hóa đẹp. Ngay cả trong giáo lý của nhà Phật cũng chỉ khuyên con người nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ người đã khuất chứ không dạy việc đốt thật nhiều nhà lầu, xe hơi... 

- Vậy tại sao người dân vẫn đốt vàng mã và có xu hướng ngày càng nhiều hơn?

Người dân vẫn có câu "trần sao âm vậy" và tin rằng vàng mã của chúng ta đốt đi về dưới đó là người âm có thể tiêu được. Ngoài ra, lý do tôi cho là cốt lõi đó là, nhiều người lao vào đốt vàng mã vì muốn cầu xin thần thánh cho bản thân mình trở nên giàu có, sung sướng, hạnh phúc.

 
Tôi cho rằng đó là những kẻ ngu muội, kệch cỡm, tham lam và chỉ suy nghĩ cho bản thân. Họ đã biến tướng một nét văn hóa vô cùng đẹp của người Việt thành lối sống mê tín dị đoan đáng bị lên án.

TS Nguyễn Hoàng Điệp

Tôi cho rằng đó là những kẻ ngu muội, kệch cỡm, tham lam và chỉ suy nghĩ cho bản thân. Họ đã biến tướng một nét văn hóa vô cùng đẹp của người Việt thành lối sống mê tín dị đoan đáng bị lên án.

Họ không hiểu rằng, quần áo chúng ta đốt về có vừa với kích cỡ của ông bà chúng ta không? Xe cộ, đồ dùng... có được gửi đúng địa chỉ không? Đó là còn chưa nói đến việc các cụ tổ tiên đâu có biết đi xe hơi, đốt xe mà không có xăng thì chạy kiểu gì? Đốt nhà mà không có đất thì người đã khuất cõng nhà, cõng xe trên lưng sao? Nếu cha mẹ cõi âm chỉ mong chờ ngày này để được miếng cơm, manh áo, căn nhà... thì những tháng ngày còn lại, tổ tiên ông bà, cha mẹ ăn, mặc, ngủ nghỉ ở đâu?

Trả lời những câu hỏi đó cũng đủ thấy đốt vàng mã của người Việt ngày nay là mê tín dị đoan, không hề phù hợp hay có cơ sở.

Bởi vậy, tôi vẫn thường hay nhắc nhở con cháu mình, nếu có tiền để mua sắm nhà lầu, xe hơi đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó. Còn cầu nguyện, chỉ cần tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì có đốt bao nhiêu vàng mã cũng vô ích.

vang_ma

 Mỗi năm người Việt tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng cho nhu cầu đốt vàng mã. Ảnh minh họa

- Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Ngoài lý do mê tín, ông có thể phân tích kỹ hơn về tác hại của việc đốt vàng mã?

Theo thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật "đốt" cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Việc thiêu đốt như vậy không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Bốn năm trước, đã từng có sự việc phát hiện giấy vàng mã có chứa chất độc hại Benzen (PV - C6H6). Benzen là chất độc và chất gây mê, có thể gây chóng mặt nhẹ, đau đầu và kích động, ảnh hưởng đến hô hấp, co giật hoặc dẫn đến tử vong. Người bị nhiễm độc có hiện tượng bước chân không vững và tinh thần xáo trộn, có thể gây bệnh về mắt, da, hệ hô hấp, bệnh về máu, ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương, hơn nữa có thể gây ung thư...

Nhiều người khi hóa vàng, họ thường sẽ bỏ luôn cả dây chun, túi nhựa và các vật phẩm đựng khác cùng vào đốt. Kết quả độc càng thêm độc, đối với sức khỏe lại càng nguy hại hơn nữa.

Những năm gần đây, người ta nói rất nhiều về việc biến đổi khí hậu nên đốt một số lượng vàng mã lớn như vậy người Việt cũng đang tích cực vào việc khiến Trái đất nóng lên. Đó là còn chưa kể đến nguy cơ hỏa hoạn xảy ra liên quan đến việc đốt vàng mã. Ở ngay tại Thủ đô, đã từng có vụ việc người dân đốt vàng mã gây ra hỏa hoạn ở một khu chung cư.

Bởi vậy, quan niệm của chúng ta thật sự cần phải thay đổi. Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng chân thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.

Điều quan trọng nhất không phải ở chỗ bạn đốt nhiều hay ít tiền giấy, mà chính là cách bạn sống và đối nhân xử thế với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, xóm làng hàng ngày. Nếu bạn giàu có, hãy chia sẻ với những người nghèo khó, tàn tật và những người kém may mắn. Đó mới là người có tâm đức và làm được nhiều việc tốt. 

- Xin cảm ơn ông!

Video: "Bà Hỏa" tấn công, cửa hàng vàng mã bị thiêu rụi trong đêm

Thái Hòa
Bình luận
vtcnews.vn