• Zalo

'Đốt tiền' vào đa cấp, về nhà 'nhập hồn' chém gió

Kinh tếThứ Ba, 24/09/2013 07:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đầu tư vào Lô Hội khiến gia đình phải cầm bìa đất, thậm chí ra tận Thái Bình đón về nhưng Sương vẫn "chém gió" hoành tráng.

(VTC News) - Đầu tư vào Lô Hội khiến gia đình phải cắm sổ đỏ đất, thậm chí ra tận Thái Bình đón về nhưng Sương vẫn "chém gió" hoành tráng.


Như VTC News đã thông tin ở bài trước, Nguyễn Công Lộc (18 tuổi) trú ở xóm Hòa Bình, xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương - Nghệ An) xin tiền gia đình đi học nghề. Tuy nhiên, khi bố mẹ cầm cố bìa đất vào ngân hàng để vay 15 triệu đồng cho Lộc đi học thì Lộc lại mang tiền đầu tư vào một công ty Lô Hội đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Khi sự việc vỡ lở, tiền hết, Lộc lẩn tránh gia đình. 

Không riêng trường hợp của Lộc, xóm Hòa Bình còn 2 trường hợp khác cũng dính vào Lô Hội nhưng đã được gia đình ra tận Thái Bình đón về. Trong số này có Nguyễn Thị Sương (22 tuổi) con ông Nguyễn Văn Dũng vừa được gia đình đón về hôm tháng trước. 
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dũng 

Phóng viên VTC News cũng đã có cuộc trao đổi với Nguyễn Thị Sương xung quanh câu chuyện buôn bán sản phẩm Lô Hội. Tuy nhiên, khi phóng viên vừa đặt vấn đề thì Sương đưa ra 3 chiếc đĩa VCD và nói rằng, tất cả những gì về Lô Hội trong đó có hết, muốn tìm hiểu có thể mở ra xem. 

Thực chất, đây là những đĩa dành cho quảng bá của công ty Lô Hội.

Thậm chí, lúc nói chuyện, Sương như đang nhập vai "nhân viên maketing" của Lô Hội, truyền đạt đến cho phóng viên và những người có mặt về những kiến thức nằm lòng ban đầu để bước vào nghề kinh doanh "hái ra tiền". 

"Anh có thừa nhận kinh doanh thì cần phải có vốn, vậy chuyện mình bỏ ra một số tiền để làm thủ tục gia nhập có gì là sai? Mọi người (hàng xóm - PV) không biết chuyện cứ nói linh tinh, tam sao thất bản, nào là phải nộp tiền triệu... Có vào làm mới biết, họ chẳng thu của mình cái gì cả, ban đầu chỉ đóng lệ phí tham gia có 110.000 đồng để trở thành thành viên" - Sương mở đầu cuộc nói chuyện.

 
8 triệu đồng mua sản phẩm Lô Hội đi bán, số tiền còn lại ăn ở trong 2 tháng.
Nguyễn Thị Sương
 
Không để phóng viên trao đổi, Sương liến thoắng tiếp lời: "Mọi người ở nhà còn nói chúng tôi phải nhờ ăn viên thuốc nào đó khiến cơ thể có cảm giác luôn no vì túng thiếu. Thực tế, một suất ăn của chúng tôi 12.000 đồng nên rất no". 

Nhưng khi được hỏi, nạp quỹ ban đầu 110.000 đồng, vậy tại sao Sương phải xin gia đình số tiền lên đến 10 triệu đồng. Tiền này bố mẹ phải cầm cố sổ đỏ nhà đất ngân hàng mới có thể vay mượn. Lúc này giọng Sương có phần chùng xuống nhưng cô vẫn lý lẽ "sắc bén" phân trần, "8 triệu đồng mua sản phẩm Lô Hội đi bán, số tiền còn lại ăn ở trong 2 tháng". 

Nói đoạn, Sương đi xuống bếp bê lên 6 hộp nhựa (kem đánh răng, thực phẩm chức năng, dầu gội, kem dưỡng da....) mỗi loại một hình dạng kích thước khác nhau, chữ dán trên vỏ hộp của nước ngoài. Chỉ có một điểm chung trên mỗi hộp đều được dán chồng lên một lớp giấy photo ghi các thông số về sản phẩm và nói rằng "tiền không mất đi đâu cả, nó vẫn còn đây, chỉ có chăng sản phẩm chưa kịp bán ra để thu hồi vốn".

Lấy làm lạ vì 8 triệu đồng nhưng chỉ có mấy hộp ít ỏi, tôi thắc mắc. Sương tiếp tục lý giải, 2 tháng trời ròng rã cô đã cho chính sản phẩm mình mua vào cơ thể bằng hình thức uống. Bởi cô mắc "bệnh khó nói".
Chuẩn bị bữa ăn của học viên đa cấp Lô Hội (Ảnh MInh Quân) 

"Chúng chỉ là sản phẩm chức năng không phải thuốc, sao Sương lại đưa chúng vào người. Với lại, bệnh của Sương là do Sương tự đi khám tại bệnh viện hay công ty mời bác sỹ về khám?" - Tôi đặt câu hỏi. 

Vẫn vẻ mặt bình tĩnh, Sương thậm chí trả lời rất trôi chảy, chỉ có điều nội dung trả lời chỉ có con trẻ mới tin nổi. 
Chẳng là cô đi khám tại một bệnh viện tại tỉnh Thái Bình biết mình có bệnh, cô về nhà sử dụng sản phẩm chức năng của công ty Lô Hội cung cấp để uống, một thời gian thấy bệnh giảm hẳn, từ đau 10% nay chỉ còn đau 2%. Điều đáng bàn, sản phẩm chức năng này do Sương tự uống chứ không có y bác sĩ nào kê đơn.

Nói đến đây Sương thấy mình càng nói càng thiếu chính xác, tiền hậu bất nhất nên đánh bài "chuồn". Cô từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào thêm từ phóng viên. Thấy con "chém gió", ông Nguyễn Văn Dũng và vợ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
 
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Trần Khắc Kiên - Chủ tịch xã Thanh Hòa cho biết, trên địa bàn xã có ít nhất 4-5 trường hợp khác cũng ôm mộng làm giàu từ Lô Hội để rồi tay trắng, mất từ 10 triệu đến 20 triệu đồng mỗi gia đình. 

Với làng quê nghèo khó như Thanh Hòa, người dân chủ yếu thu nhập từ lúa gạo thì số tiền cầm cố ngân hàng chưa biết đến khi nào mới có thể trả hết.

Trong số này thì chỉ có 2 người đã trở về nhà, các trường hợp khác vẫn đang bặt vô âm tín. Và đây chỉ là những con số ông Kiên nắm được từ việc gia đình lên trình báo với chính quyền địa phương. 





Hồng Thắng - Đức Anh
Bình luận
vtcnews.vn