Anh Tú, 39 tuổi, ở Lâm Đồng, từ giữa năm 2018 thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay yếu, không thể di chuyển. Điều trị ở nhiều bệnh viện trong và ngoài nước không tìm ra bệnh, cơ thể anh ngày càng suy kiệt.
Tháng 5, anh được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng nguy cấp, sốt, đau bụng, suy dinh dưỡng, liệt tay chân. Các bác sĩ xử trí bằng kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng, xét nghiệm độc chất từ mẫu máu, nước tiểu, tóc, móng. Kết quả, nồng độ thạch tín trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 đến 500 lần so với giá trị thông thường.
Tìm hiểu tiền sử, các bác sĩ cho rằng độc thạch tín có trong loại cây cỏ mà anh Tú dùng xông nhà. Người nhà cho biết anh Tú làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn được 10 năm. Mỗi lần xây xong một ngôi nhà, anh có thói quen đốt thuốc bắc gồm cây cỏ, xác ve sầu, bột hùng hoàng, chu sa, thần sa, xạ hương... và đưa đi vòng quanh nhà với mong muốn mang lại may mắn, vượng khí.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, bệnh nhân cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng phương pháp chelation - dùng các loại thuốc có thể kết nối với kim loại nặng để loại bỏ ra đường tiểu. Do nguồn thuốc tại Việt Nam khan hiếm, bệnh viện đã chuyển người bệnh đến Khoa Chống độc, Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital Đài Loan điều trị.
"Mỗi ngày, bác sĩ ở Việt Nam đều được đồng nghiệp bên Đài Loan gửi kết quả thăm khám, hội chẩn, kết quả xét nghiệm, kế hoạch điều trị. Từ đó, chúng tôi có thể nắm được tiến trình điều trị và diễn tiến của bệnh nhân từng ngày", bác sĩ Ngọc nói.
Ngày 14/8, sau hai tháng phối hợp điều trị tại hai bệnh viện, anh Tú có thể tự đi lại, sức khỏe cải thiện và xuất viện.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo mọi người không sử dụng những chế phẩm hay thuốc không rõ nguồn gốc, không lạm dụng đồ vật hay dùng thường xuyên một món ăn, thực phẩm chức năng khi chưa biết rõ chính xác thành phần bên trong.
Thạch tín có hai dạng là thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật) thường vô hại đối với con người và thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được gọi là "vua của các loại độc".
Chất độc này vào cơ thể người qua hô hấp, tiêu hóa và da. Nhiễm một lượng lớn sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể tử vong ngay.
"Bột hùng hoàng là dược thảo có chứa thạch tín, chỉ dùng liều rất nhỏ ngoài da và không dùng đường uống. Đốt nóng hùng hoàng làm cho thạch tín bị bốc hơi, con người hít phải hấp thu vào cơ thể rất nguy hiểm", bác sĩ Ngọc nói.
Bình luận