Bùng nổ Nobel 2018 trong điều trị ung thư
Ngày 1/10/2018 vừa qua, theo thông báo chính thức của Ủy ban Giải thưởng Nobel, hai nhà khoa học James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) được đồng trao giải Nobel Y học vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính.
Ban tổ chức giải thưởng cao quý này cho biết, công trình của 2 nhà khoa học trên mở ra một cuộc nguyên lý mới, có thể lợi dụng hệ thống miễn dịch nhằm giải phóng cơ chế tế bào ung thư miễn dịch để chống lại tế bào ung thư.
Cụ thể, nhà khoa học James P. Allison nghiên cứu ra một loại protein có tên CTLA-4, có chức năng ức chế hệ miễn dịch, kích thích khả năng của các tế bào miễn dịch, chống lại các khối u trong cơ thể người. Ngoài ra, ông cũng là người đầu tiên tìm ra cách chuỗi protein phức tạng kháng nguyên thụ thể tế bào T.
Còn đối với nhà khoa học Tasuku Honjo, ông đã phát hiện ra một loại protein có tên là PD-1 trong tế bào miễn dịch cũng có khả năng ức chế nhưng với cơ thế khác với các loại protein khác.
Theo các chuyên gia, hai nghiên cứu, phát hiện của hai nhà khoa học trên đều là một bước tiến vĩ đại mang tính toàn cầu, bước ngoặt lịch sử trong việc điều trị ung thư mang lại hiệu quả, mở ra thêm nhiều cơ hội cho những người mắc căn bệnh “nan y” này.
Đây cũng là bước đột phá quyết định để sản xuất một loại thuốc có thể giúp các bệnh nhân ung thư có thêm cơ hội chống lại căn bệnh của thế kỷ. Bởi trước đó, những phương pháp điều trị ung thư cơ bản chỉ bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội tiết tố và hóa trị…
Nhận định về thành công của hai nhà khoa học, Klas Kärre, thành viên ủy ban Nobel cho biết, công trình của giáo sư Allison và giáo sư Honjo tạo nên bước ngoặt lớn, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận về điều trị ung thư. Thay vì tập trung vào khối u, liệu pháp do hai nhà khoa học sáng tạo hướng đến hệ miễn dịch, do vậy phù hợp điều trị nhiều dạng ung thư khác nhau.
“Các loại thuốc từ công trình nghiên cứu của giáo sư Allison và giáo sư Honjo được gọi là chất ức chế chốt kiểm cho thấy kết quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết. Chúng gây ra tác dụng phụ song không nghiêm trọng và có thể đảo ngược được. Nhờ liệu pháp này, chúng ta có thể chữa khỏi ung thư", ông Kärre nói.
Tại Việt Nam, phương pháp sử dụng chức năng của các tế bào miễn dịch để chống lại ung thư cũng đã được áp dụng và thử nghiệm bắt đầu từ năm 2017 tại Đại học Y Hà Nội.
GS. TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (học trò cũ của nhà khoa học vừa đạt giả Nobel Tasuku Honjo) cùng các chuyên gia đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, cũng theo cơ thế nhằm tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch nhưng lại với hướng tiếp cận khác.
Bằng phương pháp này, bệnh nhân sẽ được lấy 10 – 30ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, cho nuôi cấy và hoạt hóa chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt.
Sau một khoảng thời gian nhất định, khi đủ số lượng và có các chức năng như móng muốn (nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư), các tế bào miễn dịch này sẽ được truyền lại cơ thể bệnh nhân, qua đó giúp tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch, giúp nó đủ mạnh để tiêu diệt các thế bào ung thư.
Theo GS Tạ Thành Văn, bước đầu, việc áp dụng thử nghiệm phương pháp trên hiện đã được áp dụng cho 20 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư: phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng. Hầu hết những trường hợp trên đều đang cho tín hiệu rất khả quan. Các triệu chứng lâm sàng như ăn được, ngủ được, cải thiện thể trạng, giảm cơn đau và chưa hề có phản ứng phụ.
“Một số người cho đáp ứng rất tốt, trước đây có thể họ rất yếu nằm liệt giường nhưng giờ đây đã có thể đi lại được.
Ở Nhật Bản, phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu đã được công nhận là một trong những phương pháp điều trị ung thư chính thức. Bệnh viện cũng chuyển giao phương pháp cho Việt Nam và cho thấy, 60% bệnh nhân được áp dụng trị liệu có cải thiện về lâm sàng, 3% bệnh nhân đạt các kết quả tốt như khối u nhỏ lại, thời gian và chất lượng sống đều cải thiện. Đây là kết quả đáng khích lệ.”, GS Tạ Thành Văn cho biết.
Xét chung lại, tuy ở Việt Nam, việc áp liệu pháp điều trị ung thư mới này vẫn đang ở mức thử nghiệm. Tuy nhiên, với những kết quả lâm sàng rất tốt đã đạt được, những người bệnh đang mắc ung thư cũng có thêm một tia hi vọng để có suy nghĩ lạc quan hơn trong cuộc chiến chống lại ung thư của mình.
Kỹ thuật mổ cả thế giới chưa ai làm được
Đó là kỹ thuật “mổ nội soi tuyến giáp một lỗ” đầu tiên trên thế giới do chính bác sĩ người Việt sáng tạo ra. Và vị bác sĩ này là Ths. BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, lớn nhất trong cơ thể con người. Tuyến này nằm trước cổ, trọng lượng khoảng 10 - 20 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 - T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp khí quản.
Thông thường, bệnh nhân bị u tuyến giáp sẽ được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp bằng kỹ thuật mổ mở. Phương pháp này tuy hiệu quả, nhưng để lại một vết sẹo phẫu thuật dài, ngang cổ, làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp.
Tuy nhiên, bằng những tìm tòi, nghiên cứu của mình, lần đầu tiên trên thế giới, các chuyên gia, bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho ra đời phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ với nhiều ưu điểm vượt trội.
Chia sẻ về những đặc điểm tối ưu của phương pháp này, Ths. BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương – chủ nhân của sáng tạo này cho biết, nội soi tuyến giáp một lỗ giữ được tính thẩm mỹ bởi vết mổ được dấu đi, chỉ có một sẹo duy nhất kích thước khoảng 2 – 3cm, nằm trong hõm nách.
Ngoài ra, kỹ thuật này đảm bảo gần như trọn vẹn nhất so với mọi kỹ thuật nội soi khác, các tổn thương gây ra cho bệnh nhân cũng sẽ được hạn chế thấp nhất.
“Bệnh nhân nếu mổ tuyến giáp theo phương pháp cũ sẽ phải nằm viện từ 4 – 6 ngày, còn đối với phương pháp nội soi một lỗ thì chỉ phải nằm viện từ 3 – 4 ngày, tùy thể trạng người bệnh.
Bên cạnh đó, nhờ phương pháp này, các bác sĩ đi thẳng vào tuyến giáp chứ không cần phải bóc tách rộng ra, chính vì thế tổn thương gây ra sẽ tối thiểu cho bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân cũng đỡ đau hơn sau khi mổ, giảm được thời gian điều trị tại bệnh viện, an toàn hơn, bảo đảm được sức khỏe. Đây cũng là điều mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều mong muốn”, BS Hiệp nhấn mạnh.
Hiện nay, bệnh viện đang là nơi có số bệnh nhân tới phẫu thuật về tuyến giáp lớn nhất thế giới. Những ca phẫu thuật nội soi tại bệnh viện cũng chiếm số lượng lớn nhất trong các nước.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận và phẫu thuật cho khoảng hơn 40 trường hợp cả nội soi và mổ mở tuyến giáp.
Chính vì vậy, để phần nào chia sẻ gánh nặng về sức khỏe, tâm lý cũng như thẩm mỹ với người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã dày công nghiên cứu ra được một kỹ thuật mới mang thương hiệu của chính Việt Nam.
Theo BS Phan Hoàng Hiệp, kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ được các cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Nội tiết ấp ủ từ rất lâu, ý tưởng này được thừa hưởng nền tảng kỹ thuật từ PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc bệnh viện.
“Bệnh viện chúng tôi may mắn khi có được nền tảng kỹ thuật của người thầy kính yêu. Thầy cũng được cả thế giới biết đến với kỹ thuật riêng mang chính tên mình đó là “Dr Lương”.
Từ những thành quả lớn lao đó của thầy, chúng tôi cố gắng cho ra đời một kỹ thuật mổ mới. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ là một bước tiến lịch sử giúp giữ gìn sức khỏe, tính thẩm mỹ sau phẫu thuật cho các bệnh nhân u tuyến giáp”, BS Hiệp nói.
Được biết, cách đây 15 năm, PGS. TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương được biết đến là người đầu tiên trên thế giới phẫu thuật nội soi tuyến giáp với đường mổ từ ngực và nách.
Sau đó, kỹ thuật này được lần lượt chuyển giao cho nhiều bác sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Bồ Đào Nha, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… và bệnh tuyến dưới ở trong nước.
Kỹ thuật từng chinh phục cả thế giới này nay lại được những bác sĩ thế hệ tiếp theo nâng lên tầm cao mới với phương pháp mổ nội soi tuyến giáp 1 lỗ, lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Chứng kiến sự ra đời của kỹ thuật mổ nhiều tối ưu này, không ít các chuyên gia, bác sĩ trên thế giới đã phải trầm trồ kinh ngạc. Và không ít trong số đó, có người chấp nhận lặn lội hàng nghìn cây số để sang Việt Nam học cho được “mổ nội soi tuyến giáp một lỗ Made in Vietnam”.
Nhờ những sáng tạo của chính mình, những vị y bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm vị thế cho nền y học nước nhà trên bản đồ y tế thế giới. Qua đó khẳng định, y tế Việt Nam vốn không “nhỏ” và “vừa”.
Hiện phương pháp mổ nội soi tuyến giáp một lỗ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương với mức giá được các bác sĩ tiết lộ khoảng 15 triệu đồng/ca. Đây cũng được đánh giá là một mức giá trung bình, phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân.
Video: Bác sĩ Việt thực hiện thành công kỹ thuật mổ mởi, thế giới chưa ai làm được
Bình luận