Biểu tượng huy hoàng của điện ảnh Hong Kong
Phim trường Thiệu Thị được xây dựng vào năm 1961, sau đó được chuyển tên sang thành đài truyền hình TVB vào năm 1988. Khu phức hợp khổng lồ sở hữu bởi Công ty TNHH Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers Studio).
Phim trường được mô phỏng theo các xưởng phim lớn của Hollywood thời bấy giờ, Movietown là khu phức hợp điện ảnh đầu tiên ở Hong Kong cho phép Shaw Brothers làm việc suốt ngày đêm, đảm bảo nguồn cung cấp phim và doanh thu ổn định.
Trong thời kỳ hoàng kim, phim trường Thiệu Thị được xem là studio sản xuất phim tư nhân thuộc hàng “khủng” nhất trên thế giới với tổng cộng 23 tòa nhà nằm trong khu phức hợp với nhiều phòng như phòng lồng tiếng, phòng hậu kỳ, phòng in màu, phòng thí nghiệm…
Thập niên 80-90 là thời kỳ phát triển và thăng hoa rực rỡ của TVB với làn sóng ảnh hưởng lan tỏa khắp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, phim trường Thiệu Thị chính là nhân chứng cho một thời hoàng kim của điện ảnh và truyền hình Hong Kong.
Tàn tích còn sót lại cùng những lời đồn thổi kinh dị
Vào năm 1995, kho đạo cụ bất ngờ bị hỏa hoạn khiến toàn bộ đạo cụ bị thiêu rụi, sau đó cũng được tu sửa lại nhưng không giữ được sự nguyên vẹn như xưa. Bộ phim cuối cùng mà phim trường sản xuất là vào năm 2003.
Phim trường Thiệu Thị giờ đây chỉ là cảnh hoang tàn rùng rợn. Các bức tường phủ đầy rêu xanh cùng những dây leo. Chỉ có biển hiệu ở ngay cổng vào mới nhắc lại cho người ta biết nơi đây từng lừng lẫy thế nào.
Rất khó để có thể nhìn thấy ánh sáng khi bước vào phim trường mục nát này, nhiều phòng còn mọc rêu, nấm mốc và đạo cụ vứt tứ tung - minh chứng cho sự bỏ rơi không thương tiếc của ông Thiệu về nơi bắt đầu một đế chế phim trường bậc nhất châu Á.
Một nơi bỏ hoang với nhiều tàn tích còn sót lại như phim trường cũ TVB này cũng không thể thiếu những lời đồn thổi, câu chuyện ma mị được thêu dệt nên bởi những người dân Hong Kong ngày ấy.
Năm 1966, một nữ diễn viên trực thuộc hãng phim Thiệu Thị tên Lý Đình đã treo cổ tự vẫn tại phòng tắm trong phòng 102, nằm ở tầng 3 của khu nhà dành cho nhân viên cũ. Đến năm 1969, một đạo diễn tên Tần Kiếm, người thất bại trong hôn nhân, từng cờ bạc thiếu nợ và ngoại tình với Lý Đình cũng đã treo cổ cùng một vị trí với nhân tình.
Ngoài ra còn rất nhiều diễn viên khác cũng quyết định quyên sinh tại đây khiến phim trường ngày càng trở nên u ám không gì có thể diễn tả được. Cho đến nay, nhiều diễn viên TVB còn truyền tai nhau câu chuyện về phim trường cũ, rằng dù vô tình hay cố ý thì có một hành động bất thành văn mà ai cũng phải nhớ khi quay đó là không được nhìn lên trần nhà nếu không muốn thấy điều đáng sợ.
Bình luận