Theo CNN, nguyên nhân được cho là do các Nghị sỹ không hiểu gì về facebook.
Hãng tin Mỹ cho rằng, phần lớn các nghị sỹ đặt câu hỏi cho Mark Zuckerberg – CEO của mạng xã hội lớn nhất thế giới – đều không hiểu cách trang mạng này vận hành, những giải pháp cho vấn đề có thể là gì, thậm chí họ không biết cần đạt được điều gì thông qua lời khai của ông chủ mạng xã hội này.
Vì vậy, ngày đầu tiên của phiên điều trần chỉ cho thấy nhiều quan chức Mỹ gần như “mù tịt” khi nhắc đến công nghệ thế kỷ 21 và vấn đề trọng tâm là quyền riêng tư trên mạng xã hội và việc lạm dụng dữ liệu không được quan tâm đúng mức.
Nghị sĩ Mỹ "dốt công nghệ"
Dường như các quan chức chỉ đang hỏi Zuckerberg xem Facebook hoạt động thế nào. Một số câu hỏi thể hiện sự thiếu hiểu biết cơ bản về nền tảng mạng xã hội cũng như loại hình doanh nghiệp của họ.
“Các anh duy trì một doanh nghiệp thế nào khi người sử dụng không phải trả phí dịch vụ?”, nghị sỹ Orrin Hatch hỏi.
“Thưa ngài nghị sỹ, chúng tôi chạy quảng cáo”, Zuckerberg đáp.
“Các anh lưu trữ, Facebook lưu trữ bao nhiêu hạng mục dữ liệu, trong số các hạng mục thu thập được?, câu hỏi của Nghị sỹ Deb Fischer.
“Nghị sỹ, ngài có thể nói rõ hơn hạng mục dữ liệu ngài đang nhắc đến là ý gì? Tôi không chắc chắn lắm", CEO Facebook trả lời.
Trong một ví dụ khác, Nghị sỹ John Kennedy bắt đầu bằng việc cho rằng điều khoản người dùng của Facebook thật tệ hại và liệt kê hàng loạt các bước mạng xã hội này cần làm để cải thiện quyền riêng tư dữ liệu. Ông chủ Facebook đành nhắc lại rằng những phương pháp đó đều được thực hiện trước đó.
Theo CNN, sự thiếu hiểu biết của các nghị sỹ tạo cơ hội cho CEO Facebook né tránh những câu hỏi quan trọng, chưa được trả lời về mức độ giám sát dữ liệu của mạng xã hội này và tại sao công ty này chưa thể minh bạch hơn với người dùng về quá trình sử dụng và lạm dụng dữ liệu của họ.
Câu hỏi của các nghị sỹ cũng được cho là thiếu trọng tâm. Họ trải dài các thắc mắc từ nghi vấn Facebook để Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 đến chỉ trích quảng cáo bầu cử thiếu minh bạch. Tất cả các vấn đề xảy ra với Facebook trong những tháng gần đây, nhưng đều yêu cầu những giải pháp khác nhau.
Thậm chí với vấn đề chính là quyền riêng tư, các nghị sỹ cũng chỉ muốn Zuckerberg giải thích tại sao người dùng phải tin Facebook, mà không tập trung vào những bước cần làm để người dùng kiểm soát tốt hơn dữ liệu của mình.
Ông chủ Facebook chỉ việc quay lại kịch bản cũ là nhận trách nhiệm và hứa hẹn làm tốt hơn mà không phải giải thích tại sao họ không làm vậy từ nhiều năm trước.
Video: Ông chủ Facebook nhận sai sau bê bối làm rò rỉ thông tin người dùng
Ngoài ra, cách đặt câu hỏi của các nghị sỹ cũng khiến CEO Facebook có thể lảng tránh khi nói về việc sử dụng dữ liệu cá nhân để kiếm doanh thu quảng cáo. Khi họ nói Facebook bán dữ liệu, Zuckerberg có thể sửa lại vì thực tế họ trao đổi dữ liệu chứ không bán dữ liệu theo nghĩa đen.
Khi ai đó chỉ ra Facebook làm sai điều gì, anh ta sẽ nói công ty họ làm gì để cải thiện. Khi không thể trả lời câu hỏi nào, anh ta chỉ đơn giản hứa sẽ quay lại sau. Khi có cơ hội nghỉ giải lao giữa phiên điều trần, ông chủ Facebook thậm chí còn nói: “Chúng ta có thể tiếp tục vài câu nữa” mà không có vẻ nao núng gì.
Dù vậy, có những ngoại lệ như trường hợp của Nghị sỹ California Kamala Harris, người khiến Zuckerberg dường như bị dồn ép và thất bại trong việc giải thích làm thế nào mạng xã hội này có thể theo dấu người dùng ngoài phạm vi những nền tảng họ sở hữu và tại sao công ty không thông báo cho người dùng vào năm 2015 rằng dữ liệu của họ bị chia sẻ với Cambridge Analytica.
>>> Đọc thêm: Ông chủ facebook tuyên bố đang 'chạy đua vũ trang' với Nga
Bình luận