• Zalo

'Đốt cháy amalgam trong bóng đèn vẫn khiến hơi thủy ngân bị phát tán'

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 31/08/2019 07:48:00 +07:00Google News

Về việc sử dụng chất amalgam thay thuỷ ngân lỏng để sản xuất bóng đèn, chuyên gia cho biết bản chất thủy ngân và hợp kim này không khác nhau khi đốt cháy.

Chiều 30/8, Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông có văn bản báo cáo UBND quận Thanh Xuân về các nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL và đèn tròn.

Liên quan đến những lo lắng về rò rỉ thủy ngân sau vụ hỏa hoạn hôm 28/8, Công ty Rạng Đông cho biết "công ty đã nghiên cứu, sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016".

2

 Hàng nghìn chiếc bóng đèn huỳnh quang cháy, vỡ nát tại hiện trường. (Ảnh: Việt Linh)

Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên khoa Hóa học (Trường Đại học khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), cho biết amalgam vẫn là một hợp kim của thủy ngân khi hòa tan với một kim loại khác. Chất này còn được gọi là "hỗn hống".

"Thủy ngân ở thể lỏng nên rất khó bảo quản, do đó, nhà sản xuất bóng đèn thường sử dụng amalgam là hợp chất rắn để thay thế", GS Huyến cho biết.

Theo chuyên gia này, "hỗn hống" là một hỗn hợp phổ biến nhưng cũng rất đặc biệt. Nhiều kim loại có thể hoà tan trong thủy ngân để tạo ra amalgam.

Chất này khi ở thể rắn thì rất khó phát tán nhưng khi bị đốt cháy ở nhiệt độ cao, thủy ngân trong hợp kim cũng hóa hơi và phân tán vào không khí. 

3

 Chuyên gia cho rằng dù sử dụng amalgam để sản xuất bóng đèn, khả năng phát tán của thuỷ ngân trong không khí vẫn có thể xảy ra. (Ảnh: Việt Linh)

"Trong vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, có thể thấy lửa cháy ở nhiệt độ hàng nghìn độ C, trong khi nhiệt độ sôi của thủy ngân chỉ ở 390 độ. Như vậy, khi amalgam trong bóng đèn bị đốt cháy thì thủy ngân ở trong hợp kim này sẽ bay hơi", PGS.TS Trần Chương Huyến phân tích.

Chuyên gia cũng nhận định, so với việc sử dụng thủy ngân thông thường, hàm lượng thủy ngân trong hợp chất amalgam không khiến tình hình trở nên khả quan hơn khi nó bốc cháy khiến thủy ngân bị phát tán vào không khí. 

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra nhanh của Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) ngày 30/8 cho thấy các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng thu được tại khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông đều trong ngưỡng cho phép.

Các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm của viện để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng. Kết quả sẽ được thông báo về Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.

Trước đó, trong văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, Công ty Rạng Đông cam kết "ngay sau khi cơ quan điều tra xong vụ việc này, sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động môi trường và thuê xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe cán bộ nhân viên công ty và người dân sống xung quanh".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn