Sinh ra ở Ai Cập vào năm 1910, tình yêu khoa học của Dorothy Hodgkin được khơi dậy từ khi còn trẻ. Cha mẹ là người có học thức lớn và giàu nghị lực, điều này gieo mầm cảm hứng để bà ấy tiếp xúc với những môn khoa học từ khảo cổ học đến thực vật học. (Ảnh: nationalww2museum)
Đến nước Anh vào năm 10 tuổi, Dorothy Hodgkin tham gia các lớp học do Hiệp hội Giáo dục phụ huynh Quốc gia Anh tổ chức. Trong một tiết Hóa học, Dorothy Hodgkin và các bạn cùng lớp bất ngờ tạo ra dung dịch phèn chua và đồng sunfat. Đây cũng chính là hỗn hợp hình thành nên những tinh thể hấp dẫn. Thí nghiệm đơn giản đó như viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Dorothy Hodgkin. (Ảnh: britannica)
Dù mới là học sinh phổ thông nhưng bà tự tạo ra một phòng thí nghiệm cá nhân trong căn phòng áp mái của gia đình ở Beccles, Suffolk. Bà thu thập các mẫu vật lịch sử tự nhiên và thực hiện các phân tích về những thứ như đất vườn. (Ảnh: sciencemuseum)
Năm 1928, Dorothy Hodgkin bắt đầu học ngành hóa học tại Somerville College, Oxford. Trong năm thứ tư, bà chọn tham gia dự án nghiên cứu để điều tra cấu trúc tinh thể của dimethyl thallium halogenua và điều này tạo bệ phóng cho sự nghiệp trong lĩnh vực tinh thể học. (Ảnh: engelsbergideas)
Khoảng thời gian sau đại học, Dorothy Hodgkin được nhận vào phòng thí nghiệm của JD Bernal ở Cambridge, nơi bà lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu tinh thể học. Sự nghiệp khoa học nở rộ nhưng sức khoẻ của không mấy khả quan. Năm 1934, Dorothy đến gặp chuyên gia tư vấn về chứng đau, biến dạng, sưng tấy ở tay. (Ảnh: Jorge Lewinski)
Năm 1938, ở tuổi 28, Dorothy Hodgkin sinh con, sự nghiệp nghiên cứu thành công, nhưng lại bị bệnh nhiễm trùng, gây ra cơn viêm khớp dạng thấp. “Tôi thấy mình gặp khó khăn và đau đớn khi đứng dậy và mặc quần áo. Mọi khớp xương trên cơ thể tôi dường như đều bị ảnh hưởng”, Dorothy Hodgkin từng chia sẻ. (Ảnh: Mondadori/Getty Images)
Sau vài tuần điều trị tại phòng khám chuyên khoa, Dorothy Hodgkin quay trở lại phòng thí nghiệm. Ở đó, bà thấy tay mình bị ảnh hưởng đến mức không thể sử dụng công tắc chính trong các thiết bị chụp X-quang vốn cần thiết trong các thí nghiệm. Không nản lòng, Dorothy Hodgkin tạo ra cần gạt dài để thuận tiện vận hành hơn và tiếp tục nghiên cứu. (Ảnh: Staffordshire University)
Căn bệnh viêm khớp dường như không cản trở được Dorothy Hodgkin. Năm 1946, Dorothy Hodgkin trở thành người đầu tiên xác định hoàn toàn cấu trúc của một phân tử hữu cơ phức tạp (cholesterol) bằng phương pháp tinh thể học tia X. Khi tình trạng đau đớn của bản thân tái phát, bà đã uống aspirin và chườm nóng ở tay. (Ảnh: wikipedia)
Năm 1947, Dorothy Hodgkin được bầu làm Thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Anh. Bà nhận được Huân chương Hoàng gia năm 1956 và Huân chương Công trạng năm 1965. Năm 1964, bà trở thành người phụ nữ Anh duy nhất nhận Giải thưởng Nobel Hóa học, vì công trình thành tựu xác định được cấu trúc của các chất sinh hóa quan trọng như penicillin, B12 và insulin bằng kỹ thuật tinh thể tia X. (Ảnh: AP Photo)
Sau khi giành giải Nobel, bà ngày càng được quốc tế kính trọng. Bà nhận được vô số lời mời tham dự, phát biểu tại các hội nghị và sự kiện khoa học trên toàn thế giới. (Ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)
Bất chấp tình trạng bệnh viêm khớp ngày càng trầm trọng, Dorothy Hodgkin vẫn cống hiến thời gian và chuyên môn cho nghiên cứu, diễn thuyết khoa học trong suốt quãng đời còn lại. Bà thường dẫn theo một thành viên trong gia đình để giúp đỡ mình trong các chuyến đi, bà sử dụng xe lăn để di chuyển giữa các buổi họp, hội nghị khi việc đi bộ trở nên quá chậm và gây nhiều đau đớn. (Ảnh: carousell)
Dorothy Hodgkin qua đời vào năm 1994. (Ảnh: heroinas)
Ngoài việc là nhà khoa học lỗi lạc, Dorothy Hodgkin còn khiêm tốn và hào phóng. Sự tôn trọng của bạn bè và đồng nghiệp dành cho bà đã được cộng tác viên lâu năm Max Perutz tóm tắt tại lễ tưởng niệm của bà: “Dorothy Hodgkin tỏa ra tình yêu dành cho hóa học, gia đình, bạn bè, học sinh, pha lê và trường đại học của bà ấy… Tình yêu của bà ấy được kết hợp với trí tuệ thông minh và ý chí sắt đá để đạt được thành công, bất chấp cơ thể yếu đuối và sau đó bị tàn tật nặng nề. Có điều kỳ diệu trong con người của bà ấy”. (Ảnh: creator.nightcafe.studio)
HUỲNH DŨNG (Nguồn: Royalsociety/Theguardian)
Bình luận