Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP có quy định về vàng như sau:
- Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
- Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
- Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.
- Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.
Căn cứ quy định trên, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và mã ký hiệu. Do đó, đồng xu đúc bằng vàng không phải là vàng miếng.
Được mua vàng miếng ở đâu?
Theo điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hoạt động mua, bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Do đó, người dân không được phép bán vàng miếng tại tiệm vàng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Để đảm bảo bán vàng miếng đúng pháp luật, khách hàng cần bán tại những nơi đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép (dựa trên danh sách của Ngân hàng Nhà nước công bố; hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép được mua, bán vàng miếng trước khi bán cho họ...).
Nếu mua, bán vàng miếng không đúng quy định nêu trên sẽ bị phạt cảnh cáo; nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 2 điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Bình luận