Bây giờ đến Hội An, dù tham quan hay chỉ ghé khu phố cổ uống ly cà phê, mua món quà lưu niệm, du khách cũng buộc phải mua vé. Và từ ngày 1-11, giá vé không chỉ tăng mà còn phân biệt giữa khách quốc tế với khách nội địa.
Nhân viên kiểm soát vé kiểm tra vé của du khách trên chùa Cầu |
Tình hình này đang khiến nhiều đơn vị du lịch lo lắng, nhất là trong thời điểm du lịch đang khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế.
Phí vào phố cổ
Sáng 8-11, một nhóm du khách Việt đang đứng bên chùa Cầu chụp hình thì một nhân viên mặc đồng phục xanh đến hỏi vé. Cả nhóm ngớ người chưa hiểu chuyện gì vì khi bước chân vào phố cổ không có bảng thông báo phải mua vé, cũng không được ai hướng dẫn.
Sau khi được giải thích, cả nhóm mới ngượng nghịu móc ví lấy tiền mua. Ít phút sau, hai du khách quốc tế đi ngang qua cũng bị nhân viên này yêu cầu kiểm tra vé. Không xuất trình được vé, họ được nhân viên chỉ tay qua quầy vé để mua với giá 120.000 đồng/người.
Ông Đ.V.L. (giám đốc một công ty du lịch ở Đà Nẵng) bức xúc cho biết: “Tôi đưa du khách vô phố cổ để mua sắm ít đồ lưu niệm hoặc ăn một bữa tối bên sông Hoài nhưng bị buộc mua vé là không công bằng”.
Ông L. băn khoăn lượng khách du lịch đến miền Trung đang giảm nên giá vé vào Hội An tăng đúng thời điểm này sẽ đẩy du lịch vào thế khó. “Với giá vé tăng cao như vậy, chúng tôi buộc lòng phải đưa du khách đến những điểm không bán vé ở ngoại thành để giảm chi phí” - ông L. cho hay.
Ngay khi Hội An có quyết định tăng giá vé từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng/ba điểm tham quan (gồm khu phố cổ và hai điểm khác tự chọn) đối với khách VN, từ 90.000 đồng lên 120.000
đồng/sáu điểm tham quan (gồm khu phố cổ và năm điểm khác tự chọn) đối với khách quốc tế, đã có nhiều ý kiến phản ứng bởi trước đó Chính phủ đã có quy định cấm phân biệt khách quốc tế với khách nội địa. Ông L. cũng băn khoăn: “Với giá cũ 45.000 đồng/vé, du khách đi tham quan được bốn điểm, nay tăng lên 60.000 đồng mà chỉ có ba điểm thì thiệt quá. Sợ rằng đây sẽ là chướng ngại vật khiến du khách ít đến với Hội An”.
“Đương nhiên phải mua vé”
Ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TP Hội An, khẳng định: Du khách vào phố cổ bắt buộc phải mua vé bởi TP đã đầu tư 1,5 tỉ đồng mỗi năm xây dựng không gian văn hóa cho phố cổ nhằm phục vụ du khách. Việc mua vé cũng không quá ngặt nghèo, chẳng hạn người Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc người ở TP.HCM về thăm quê thì không phải mua vé.
Còn theo ông Trương Văn Bay - phó chủ tịch UBND TP Hội An, việc mua vé vào phố cổ là “đương nhiên và đã áp dụng từ lâu nay”. Về việc du khách chỉ vào phố cổ để đi dạo, mua quà lưu niệm hoặc uống cà phê nhưng cũng phải mua vé, ông Bay thẳng thắn nói: “Hội An đã đầu tư rất nhiều cho phố cổ, không gian văn hóa về đêm...
Vì vậy, đến phố cổ dù muốn hay không du khách cũng hưởng thụ rồi”. Tuy nhiên, ông Bay khẳng định việc mua vé chủ yếu áp dụng cho khách đi theo đoàn. Tới đây, hai sở VH-TT&DL Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ họp thống nhất việc quản lý bán vé cho du khách. Đối với khách đi theo đoàn sẽ có logo in trên áo để phân biệt người mua vé và chưa mua vé.
Lý giải việc tăng giá vé vào thời điểm này, ông Phùng cho rằng chín năm qua, giá vé chỉ có 15.000 đồng trong khi trượt giá quá lớn, bộ máy nhân viên hoạt động ở các công trình văn hóa đời sống rất khó khăn. Năm 2011, nguồn thu bán vé của Hội An được 40 tỉ đồng, dự kiến năm 2012 đạt 50-55 tỉ đồng. Với việc tăng giá này, chủ di tích để lại 75% giá vé để trùng tu di sản, 25% còn lại dành cho lực lượng lao động.
Riêng chuyện phân biệt giá vé giữa khách quốc tế với khách nội địa, ông Phùng thừa nhận: “Đúng là Chính phủ quy định đồng giá người nước ngoài và VN, nhưng khi thăm dò dư luận thì không được, giá vé dành cho khách quốc tế tính theo giá USD mà áp dụng cho người VN thì quá cao”.
Và để giải quyết tình thế, TP Hội An đã linh hoạt xử lý bằng việc áp giá vé 60.000 đồng/vé/khách VN cho ba địa điểm tham quan, còn 120.000 đồng/vé/khách nước ngoài thì được sáu địa điểm tham quan. “Như vậy tính chung lại, giá vé cho người VN và nước ngoài đều là 20.000 đồng. Không chịu được giá vé 120.000 đồng nên người Việt phải tham quan ít hơn thôi” - ông Phùng nói. Xác nhận một số hãng lữ hành có ý kiến tăng giá vé vào thời điểm này không hợp lý do khó khăn kinh tế, ông Phùng cho rằng “các hãng lữ hành cũng phải chia sẻ khó khăn với địa phương”.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận