• Zalo

Đồng phạm của ông Đinh La Thăng tự bào chữa: Người xin tha cho cấp dưới, kẻ 'chất vấn lương tâm' cấp trên

Pháp luậtChủ Nhật, 14/01/2018 16:40:00 +07:00Google News

Trong khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh xin tòa giảm tội cho cấp dưới thì bị cáo Lương Văn Hòa lại hỏi Trịnh Xuân "vì ai mà biết bao nhiêu người phải đứng trước phiên tòa này?".

Sáng 14/1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vào 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục diễn ra.

Trong phiên tòa sáng Chủ nhật, các bị cáo nguyên là cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Công ty cổ phần xây lắp và dầu khí Việt Nam (PVC) được Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép tự bào chữa cho mình, bổ sung những ý kiến bào chữa của luật sư.

Trịnh Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh xin tha cho cấp dưới

Được tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN cho rằng bản thân mình không biết Hợp đồng 33 có sai phạm. Phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết mình làm sai và là một trong những mắt xích trong cả quá trình sai phạm.

Bị cáo Sơn nhận thấy bản thân mình đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án.

nguyen-xuan-son141-1515898814147

Nguyên Phó tổng Giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn trước tòa sáng 14/1. 

Liên quan đến kết luận giám định, bị cáo Sơn cho rằng, kết luận này không đủ cơ sở pháp lý để tính toán. Theo bị cáo, nếu tính theo phương pháp lãi suất phát sinh thì thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng chứ không phải 119 tỷ đồng như kết luận của giám định viên.

"Nếu nói Hợp đồng 33 chưa có cơ sở pháp lý thì có vẻ không phục vì với hợp đồng dân sự, công việc đã triển khai thực tế mà nói chưa có hiệu lực thì không thuyết phục lắm. Tính toán thế nào hợp tình hợp lý và đúng bản chất vấn đề, lãi suất tiền gửi thanh toán là hợp với bản chất.

Trong các vụ án hình sự, nếu truy xét thiệt hại thì phải truy đến cùng vị trí cuối cùng của đồng tiền, nó đã đem lại hiệu quả và phải thu hồi cả gốc và lãi để bù trừ cho khoản thiệt hại này. Qua đó có thể thấy hiệu quả có thể cao hơn vì PVC đã trả nợ ngân hàng, giảm lãi vay", nguyên Phó tổng Giám đốc PVN nói.

Về hành vi tạm ứng tiền sai, theo bị cáo Sơn, trách nhiệm thuộc về nhóm cán bộ PVN và nhóm cán bộ BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2. Thực chất có 2 quy trình khác biệt nhau, quy trình PVN cấp vốn cho BQL là quy trình nội bộ. Việc tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của bị cáo Chương và Nguyên.

Bị cáo Sơn đưa ra quan điểm: "Trong vụ án này, nếu truy tố xét xử bị cáo Lê Đình Mậu - nguyên phó trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN với hành vi cho tạm ứng tiền thì không thỏa đáng.

Kính mong HĐXX có xem xét đặc biệt đối với anh Lê Đình Mậu, tôi cho rằng trách nhiệm của anh Lê Đình Mậu thuộc về tôi và anh Ninh Văn Quỳnh - nguyên kế toán trưởng PVN".

"Trong nhóm liên quan đến việc cấp vốn còn có anh Ninh Văn Quỳnh, nhưng anh Quỳnh thực hiện việc cấp vốn là theo chỉ đạo của tôi. Tôi ký tạm ứng tiền và tôi chịu trách nhiệm đến cùng.

Việc tôi ký công văn cho BQLDA yêu cầu nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu những khó khăn vướng mắc thì báo cáo cho tập đoàn xử lý, không có chuyện thấy hợp đồng sai mà vẫn chỉ đạo chuyển tiền. Ở góc độ quản lý, bị cáo hoàn toàn nhận trách nhiệm về mình", bị cáo Sơn tiếp tục xin giảm án cho cấp dưới.

Cũng theo bị cáo Sơn, việc bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2 nói Hợp đồng 33 không đủ căn cứ pháp lý nhưng lần tạm ứng đầu tiên hoàn toàn do bị cáo Chương đề xuất.

Khi biết hợp đồng có vấn đề mà không báo cáo lại xin tạm ứng và bị cáo Chương quyết định chỉ cấp cho PVC 6,5 triệu USD. Việc tạm ứng là một việc rất đơn giản và gần như là công việc hàng ngày, thực chất đây là tiền đặt cọc để phát sinh trách nhiệm của các bên.

"Bị cáo chỉ có quyết định cấp vốn lần đầu và cấp vốn lần 2. Việc đề xuất chuyển tiền cho BQL và cho nhà thầu hoàn toàn thuộc quyền của BQLDA, không ai chỉ đạo cả. Việc để PVC sử dụng tiền sai mục đích là trách nhiệm kiểm tra giám sát của BQLDA chứ không phải của Tập đoàn", bị cáo Sơn nói.

Video: Diễn biến tuần đầu tiên phiên xét xử vụ án tại PVN

Trước khi kết thúc phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Sơn chia sẻ thêm: "Bị cáo đã hy sinh cả bản thân cho công việc, bị cáo cũng suýt chết vì tai biến mạch máu trong quá trình làm việc. Nếu mình hy sinh trong quá trình công tác mà vì lợi ích quốc gia thì cũng không có gì phải ân hận.

Trong vụ án này có bị cáo bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch HĐQT PVN là người gắn bó lâu năm trong ngành, có tư chất hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể, công tác Đảng.

Nhưng trong cơ cấu tổ chức, những con người như bị cáo Quý vô tình rơi vào lòng lao lý, xin HĐXX xem xét không cách ly ra khỏi xã hội thì là điều mừng cho ngành dầu khí".

Cũng trong phiên tòa sáng 14/1, không chỉ có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo Lê Đình Mậu mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh khi được HĐXX gọi lên tự bào chữa cũng cho biết: "Anh Lê Đình Mậu là cấp phó của bị cáo, anh ấy làm theo ủy quyền của bị cáo. Thực chất là người xuất kho nên bị cáo mong HĐXX xem xét giảm trách nhiệm cho anh Mậu".

Bị cáo Quỳnh cũng xin được đính chính một số nội dung mà luật sư bào chữa cho bị cáo đã nêu trong phiên tòa xét xử ngày hôm qua.  Đó là nội dung trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Bị cáo không đồng tình với luật sư về việc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.

"Công việc của bị cáo là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Không có chuyện biết sai mà vẫn cho tạm ứng tiền cho PVC", bị cáo Quỳnh khẳng định lại lời khai trước tòa.

"Vì ai mà biết bao nhiêu người phải đứng trước phiên tòa này?"

Trong khi nhiều bị cáo khác nhận trách nhiệm về mình và xin giảm án cho cấp dưới thì bị cáo Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC lại "chất vấn lương tâm" cấp trên.

Theo bị cáo Lương Văn Hòa, số tiền bị cáo chiếm đoạt bị cáo đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra. Bị cáo hoàn toàn có bằng chứng để chối tội nhưng bị cáo không cho phép lương tâm mình làm việc đó.

Kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo Hòa nói với Trịnh Xuân Thanh: "Sở dĩ hôm nay bị cáo muốn nói thêm vì ngày hôm qua trong lời khai của anh Trịnh Xuân Thanh có ý nói bị cáo đổ tội cho anh ấy.

Bị cáo xin nói lời cuối cùng với Trịnh Xuân Thanh: Anh tự hỏi lương tâm của mình, vì anh hay vì ai mà biết bao nhiêu người phải đứng trước phiên tòa này?".

Cũng trong phiên tòa sáng 14/1, sau phần tự bào chữa của các bị cáo, HĐXX cho gọi những người thân của các bị cáo, những người đã tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả của vụ án. Theo đó, tất cả người thân của các bị cáo đều đồng ý với số tiền đã nộp.

 Anh Trịnh Hùng Cường - con trai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn đồng ý với luật sư bào chữa cho cha mình và không có ý kiến gì thêm.

Về số tiền 4 tỷ đồng nộp khắc phục hậu quả, ông Trịnh Xuân Giới - cha của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết: "Khi được gặp con trai trong trại giam, con trai tôi nói nó không tham ô". 

"Tuy nhiên, con trai tôi với vai trò trách nhiệm của mình là người đứng đầu PVC đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước nên để bày tỏ thiện chí, chúng tôi cũng tự nguyện nộp 4 tỷ đồng theo nguyện vọng của con trai. Chúng tôi mong HĐXX sẽ xem xét để giảm mức án cho con trai mình", ông Trịnh Xuân Giới nói.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn