Nhà biên kịch Lê Chí Trung: Khi đi nhậu, Anh Tú không để tôi trả tiền
Khi nghe tin NSND Anh Tú qua đời, biên kịch Lê Chí Trung rất xúc động. Anh cho biết, giữa anh và NSND Anh Tú có rất nhiều duyên nợ.
Cả hai biết nhau khi làm việc chung trong vở kịch Người yêu của cha tôi. Đó là kịch bản đầu tiên Lê Chí Trung dựng tại Hà Nội và NSND Anh Tú đóng vai chính. Tác phẩm cuối cùng mà NSND Anh Tú thực hiện lại là vở diễn Thế sự do nhà biên kịch Lê Chí Trung viết.
"Trong hơn 20 năm em còn làm việc với anh trong nhiều vở, cả với tư cách diễn viên và đạo diễn. Hơn 20 năm bao nhiêu cuộc nhậu. Có đêm mùa đông say túy lúy, em cởi khăn quàng cổ, anh còn nhớ là màu nâu đất, đưa anh và bảo chú Như Lai đèo anh về Cổ Nhuế.
Đi ăn nhậu em không cho anh trả tiền. Em hay bảo: Anh một thân một mình ở đất Sài Gòn. Ra đây cứ để các em lo".
Nhà biên kịch Lê Chí Trung nhớ lại lần cuối cùng gặp NSND Anh Tú: "Hôm anh đến nhà thăm, em đã nặng lắm rồi. Mắt em buồn lắm. Anh biết ý nên bảo: Người thăm nhiều, em mệt cứ nhắm mắt đi. Anh xuống nhà nói chuyện với bố mẹ em.
Lúc quay lên thì em vờ nhắm mắt. Anh bảo người bạn đi cùng: Thôi, về đi, để Tú ngủ. Thế nhưng anh biết, em làm thế để giấu đi những giọt nước mắt".
Nhà biên kịch Lê Chí Trung cho hay, ở Việt Nam, chỉ duy nhất có NSND Anh Tú là hay mắng anh. Mỗi khi anh buồn, Anh Tú lại mắng: "Anh đúng là trẻ con. Đau buồn phải biết cắn răng một mình chịu thôi".
"Con người em là thế, khó ưa, khó chịu, nói năng văng mạng, thiếu kiểm soát nhưng thực tài" - Nhà biên kịch Lê Chí Trung nhận xét về đồng nghiệp vừa ra đi.
Quách Thu Phương: Hãnh diện vì là đồng nghiệp và là học trò của NSND Anh Tú
Quách Thu Phương từng là đồng nghiệp, là cấp dưới của NSND Anh Tú tại Nhà hát Tuổi trẻ. Cả hai từng vào vai một cặp tình nhân trong phim Của để dành.
Quách Thu Phương cũng chính là gương mặt mà cố nghệ sĩ tin tưởng giao cho vai Kiều Loan trong vở kịch cùng tên. Đây là vở kịch đầu tiên mà NSND Anh Tú dàn dựng trên cương vị đạo diễn.
Khi hay tin NSND Anh Tú qua đời, nữ diễn viên Quách Thu Phương ngầm ngùi nhớ lại kỷ niệm cũ. Cô viết: "Tôi vẫn còn nhớ vào một buổi trưa khi đoàn đang đi lưu diễn tại Thanh Hoá, anh có gọi chúng tôi ra và nói về kế hoạch sắp tới làm vở tốt nghiệp khoá đạo diễn với vở kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm. Tất nhiên với kế hoạch này anh có dự định và ấp ủ từ lâu, nhưng đến thời điểm đó anh mới nói với chúng tôi.
Chúng tôi nghe anh say sưa nói mà đứa nào cũng há hốc mồm nghe vì quá hay. Đến khi anh nói: Vai này tôi dành cho cô, tôi sướng phát điên lên được. Tuy nhiên, vì lúc đó chưa được cầm kịch bản, không biết kịch thơ thì sẽ nói thế nào nên tôi mừng đấy, vui đấy, hạnh phúc đấy nhưng cũng lo lắng nhiều.
Tôi tự đặt câu hỏi, với một con bé từ trước tới giờ không thích thơ thì sẽ thế nào đây. Tôi biết, vở kịch có ý nghĩa rất quan trọng với anh. Đó không chỉ là tác phẩm anh thi tốt nghiệp Khoa Đạo diễn mà sẽ còn đem về giới thiệu với khán giả trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Vì thế, tôi rụt rè hỏi anh: Liệu em có đảm đương được không? Anh trả lời chắc nịch: Sao lại không làm được? Không những làm được mà còn làm hay nữa".
Quách Thu Phương nhớ lại những buổi tập luyện cùng NSND Anh Tú: "Đó là những ngày tháng quên giờ giấc lăn lộn trên sàn tập với mồ hôi, máu và nước mắt của thầy trò tôi, ăn thơ, ngủ thơ, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy thơ là có thật.
Và khi ta dành tình yêu thật sự để làm một điều gì đó, thì cái ta nhận được cũng thật xứng đáng. Vở kịch đã chạm được đến trái tim của tất cả mọi người. Đó là cách làm việc đam mê, cháy hết mình và nghiêm túc của anh với nghề".
Sau khi chia sẻ về kỷ niệm khi làm việc chung trong vở kịch thơ Kiều Loan, diễn viên Quách Thu Phương khẳng định: "Tôi luôn hãnh diện và tự hào vì được là học trò, là nhân viên và là một đồng nghiệp của anh - NSND Anh Tú".
Video: Diễn xuất của NSND Anh Tú và Quách Thu Phương trong phim "Của để dành"
NSƯT Trung Anh: Người yêu sân khấu như NSND Anh Tú không còn nhiều
Lương Bổng của phim Người phán xử là đồng nghiệp của NSND Anh Tú tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh kể lại: "Tú là người đam mê sân khấu, đam mê một cách khủng khiếp. Khi làm việc, Tú luôn đòi hỏi chất lượng cao, kỹ tính, chỉn chu từ những thứ nhỏ nhất. Thế nên, những tác phẩm của Tú luôn được đánh giá rất cao về mặt chất lượng".
NSƯT Trung Anh chia sẻ: "Kể từ khi NSND Anh Tú về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, có nhiều vở diễn được dựng hơn. Tú đã thổi bùng lên không khí tai Nhà hát, khiến mọi người hăng say hơn với công việc".
NSƯT Trung Anh ngậm ngùi nói: "Một người yêu sân khấu, hết lòng về sân khấu như Anh Tú hiện nay, chắc chắn không có nhiều".
Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Anh Tú chết nửa trái tim khi rời Nhà hát
Ông Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tiết lộ lý do khiến NSND Anh Tú chuyển công tác sang nhà hát Kịch Việt Nam.
Ông nói: "Năm 2012 khi tôi được Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Hai nghệ sĩ đầu tiên tôi muốn đề cử vào chức danh Phó giám đốc là Anh Tú (trưởng đoàn kịch 1) và Chí Trung (trưởng đoàn kịch 2). Họ cũng nhận được sự tín nhiệm rất cao từ tập thể Nhà hát.
Đúng lúc đó, cấp trên muốn tôi tiến cử nghệ sĩ Anh Tú sang làm Phó Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Họ muốn có câu trả lời ngay đầu giờ chiều hôm đó.
Tôi vẫn nhớ là Anh Tú rất bối rối, suy nghĩ cả buổi trưa mới gật đầu đồng ý nhận lời dù gương mặt bần thần, bao uẩn khúc không nói ra lời.
Sau này tâm sự với NSND Lan Hương khi đã vơi bớt nỗi buồn xa vắng bạn bè đồng nghiệp thân quen một thuở nơi cơ quan cũ , NSND Anh Tú bảo rằng dạo ấy anh như chết lặng nửa trái tim mình khi phải rời xa Nhà hát Tuổi Trẻ - cái tổ ấm thân thương bao nhiêu vui buồn, khóc cười, thăng trầm vinh quang và có cả nỗi xót xa, cay đắng".
NSND Anh Tú sinh năm 1962. Anh là nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu kịch với nhiều vai diễn kinh điển.
Tháng 4/2018, NSND Anh Tú được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Trưa 20/12, NSND Anh Tú qua đời sau hơn 3 tháng nhập viện điều trị căn bệnh tiểu đường biến chứng, hưởng dương 56 tuổi.
Tang lễ của NSND Anh Tú sẽ được tổ chức vào sáng 24/12 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng.
Bình luận