• Zalo

Đồng minh châu Á chờ tín hiệu 'trấn an' của Tổng thống Donald Trump

Thế giớiThứ Bảy, 04/11/2017 17:05:00 +07:00Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/11 đã rời thủ đô Washington, bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên kéo dài 12 ngày.

Chuyến đi được dư luận khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm khi sẽ phần nào làm sáng tỏ tương lai chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho các mối quan hệ với châu Á, mà bằng chứng cụ thể nhất là chuyến thăm châu Á dài ngày nhất của một vị Tổng thống Mỹ tới khu vực kể từ năm 1991. Hơn hết, đây cũng là ưu tiên mà người dân Mỹ muốn chia sẻ với nhà lãnh đạo của mình. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy, người Mỹ coi trọng châu Á hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới để tăng cường an ninh và các lợi ích kinh tế của mình.

trump_tham_chau_a_uget

Tổng thống Trump và phu nhân. (Ảnh: Breibart)

Phát biểu trước khi lên đường, Tổng thống Donald Trump khẳng định, đây sẽ là một chuyến đi thành công, với nhiều thiện chí: “Chúng ta sắp bắt đầu một chuyến đi dài. Chúng ta sẽ nói về thương mại, về Triều Tiên và tôi nghĩ sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Chúng ta sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra, song tôi nghĩ đây sẽ là một chuyến đi thành công, với rất nhiều thiện chí.”

Tuy nhiên, cho tới tận thời điểm này, chiến lược châu Á của Tổng thống Donald Trump vẫn là một ẩn số. Những tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Mỹ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới những nước liên quan, ở châu Âu cũng như châu Á.

Nếu như dưới thời chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, “chiến lược xoay trục châu Á” là một điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại, thì đến thời Tổng thống Donald Trump, ông đã từ bỏ chính sách này khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại với sự tham gia của 12 nước nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong một khu vực đang ngày càng chịu sự chi phối của Trung Quốc.

Video: Tổng thống Trump đón Halloween sớm 

Vì thế, trong bối cảnh cả TPP lẫn chính sách xoay trục sang châu Á đều bị gạt sang một bên, chuyến thăm châu Á lần này được kỳ vọng sẽ phần nào làm sáng tỏ chính sách, cũng như tầm nhìn bao quát của nhà lãnh đạo Mỹ đối với mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực, nơi tập trung hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Và hơn hết là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” có ý nghĩa gì đối với các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ kinh tế với châu Á? Việc Tổng thống Donald Trump luôn dành ưu tiên cho các mối quan hệ song phương có ý nghĩa gì đối với vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ trên các vũ đài đa phương? Hay phải chăng vấn đề Triều Tiên sẽ thu hút mọi sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực?

Theo ông Matthew Goodman, cố vấn cấp cao về kinh tế châu Á, trước một vị Tổng thống Mỹ khó đoán như ông Donald Trump, các nhà lãnh đạo khu vực hiện rất bối rối,  khi vừa muốn Mỹ tham gia vào các hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, lại vừa không muốn sự hiện diện của Mỹ chỉ mang tính sức mạnh quân sự.

Nếu như với cựu Tổng thống Barack Obama là tái cân bằng các tài sản và lợi ích của Mỹ từ Trung Đông đến châu Á, với 3 trụ cột chính là tăng cường các mối quan hệ an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và hướng tới một mối quan hệ gần gũi hơn với Đông Nam Á, thì dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như chỉ có trụ cột an ninh được giữ lại.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong chiến lược toàn cầu, các đời chính quyền Mỹ vẫn luôn coi châu Á-Thái Bình Dương là khu vực địa-chiến lược, địa-chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ George Bush đã nhiều lần tuyên bố, đối với nước Mỹ hiện nay, không có khu vực nào quan trọng hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương là nắm vững quyền chủ đạo, làm nền tảng để bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia ở khu vực và thực hiện chiến lược toàn cầu.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, dù có nhiều phát biểu gây tranh cãi, song với tinh thần xuyên suốt là vì lợi ích nước Mỹ, vì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục thực thi chính sách “xoay trục”, nhưng với cách làm mới và phương pháp mới.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn