(VTC News) – Rẻ hơn so với nhiều “huyền thoại hai bánh” nhưng đồng hồ Seiko là “vũ khí tán gái” số 1 thời bao cấp.
“Vũ khí” tán gái số 1 thời bao cấp
Seiko là một trong những thương hiệu đồng hồ phổ biến nhất ở Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết rõ về chiếc đồng hồ này - ông Kintaro Hattori, người sáng lập công ty đã khởi nghiệp ở quận Ginza của Tokyo vào năm 1881.
Seiko rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Từ khi Nhật Bản áp dụng lịch Gregorian và công nghiệp hóa, Seiko bắt đầu sản xuất đồng hồ nước. Sau đó đồng hồ treo tường và đồng hồ bỏ túi lần lượt ra đời tại đất nước mặt trời mọc.
Phải đến năm 1913, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên mang nhãn hiệu Seiko mới ra đời, ít nhiều gây được tiếng vang. 50 năm sau, sự xuất hiện của dòng sản phẩm cao cấp nhất Seiko 5 đã tạo nên “cuộc cách mạng” cho Seiko. Hàng triệu sản phẩm được mua trên toàn thế giới.
Không chỉ “làm mưa làm gió” tại Nhật Bản, Seiko còn xuất khẩu sang châu Âu và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều nhãn hiệu đồng hồ có tiếng của Thụy Sỹ. Nhưng phải rất lâu sau, đồng hồ Seiko mới có mặt tại Việt Nam.Một chiếc đồng hồ Seiko cũ được rao bán trên mạng
Đầu tiên, Seiko chinh phục giới nhà giàu Sài Gòn. Sau năm 1975, Seiko “Bắc tiến” và nhanh chóng chiếm ngôi vị số 1 của “đồng nghiệp” đến từ Liên Xô Poljot. Giống như các “huyền thoại” hai bánh Super Cub 50, Simson, Minsk, Babetta, Chaly,… Seiko trở thành niềm mơ ước của người dân thủ đô.
Seiko được yêu thích vì rất bắt mắt và sang trọng. Quan trọng hơn, Seiko có nhiều ưu điểm như chạy tự động, không phải lên giây. Mặt đồng hồ khá lớn, lại được trang bị thêm thứ, ngày, tháng. Đây quả thực là chức năng rất hiện đại ở thời bao cấp.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều sản phẩm khác của Nhật Bản, Seiko rất bền. Bị thả vào nước trong một thời gian ngắn, Seiko vẫn chạy tốt. Nửa thế kỷ sau khi ra đời, Seiko 5 có lẽ là chiếc đồng hồ cơ khí giá cả phải chăng nhất và bền nhất thế giới.
Tại Hà Nội, Seiko chỉ giành cho giới nhà giàu vì giá của nó không hề rẻ. Giá mỗi chiếc Seiko dao động quanh 1 chỉ vàng. Thời đó, 1 chỉ vàng có thể mua được vài m2 đất tại Hà Nội. Như vậy, đủ thế Seiko thực sự là tài sản lớn.
Tuy nhiên, so với giá hàng cây vàng của Super Cub 50, Seiko rẻ hơn rất nhiều. Nhưng vượt qua tất cả “huyền thoại” 2 bánh, Seiko trở thành “vũ khí tán gái” số 1 của thanh niên thời bao cấp. Seiko được ao ước tới mức thời đó xuất hiện “đồng dao”:
“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu anh có téc gang
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô…”.
Vì là "vũ khí tán gái" số 1 nên Seiko là một trong những sản phẩm hay bị mượn. Bác Nguyễn Văn Nam (Thái Hà - Hà Nội) kể thời bao cấp gia đình bác có chiếc Babetta, mỗi khi đi tán gái, bác phải mượn anh bạn đồng hồ Seiko. Và tất nhiên, bác phải hứa lần sau cho bạn mượn xe.
Không còn chỗ đứng
Sau khi bị gạt khỏi thị trường, những sản phẩm thời bao cấp như Super Cub 50 hay Minsk vẫn còn chỗ đứng nhờ tình yêu của những người hoài cổ và dân độ xe thì các mẫu Seiko cũ không nhận được sự quan tâm từ người dân.
Hiện tại, vẫn có một số người sống tại thời bao cấp lưu giữ Seiko và xem đó là một kỷ vật. Bác Nguyễn Văn Hưng (Mai Động – Hà Nội) cho biết Seiko là chiếc đồng hồ bác rất quý. Đây là một trong những kỷ vật hiếm hoi thời bao cấp không bị thất lạc và hư hỏng theo thời gian.
“Tuy nhiên, bây giờ, chẳng mấy khi tôi đeo đồng hồ Seiko vì muốn xem giờ dễ lắm. Xung quanh đâu đâu cũng có đồng hồ treo tưởng, điện thoại di động hiển thị giờ. Còn chưa kể, ngay cả tivi cũng hiển thị giờ trên màn hình” – Bác Hưng cho hay.
Dù rất mất thói quen đeo đồng hồ nhưng một năm, bác Hưng phải bỏ Seiko ra lau vài lần. Thậm chí, có lúc bác lôi Seiko ra khỏi két sắt chỉ để ngắm. “Vừa là để bảo trì đồng hồ, vừa gợi nhớ về một thời nhiều dấu ấn của đất nước” – Bác Hưng lý giải.
Không chỉ bác Hưng, một số người lớn tuổi vẫn đang gìn giữ và xem Seiko như một kỷ vật và ít khi mang đồng hồ ra chia sẻ. Nếu muốn được ngắm Seiko thời bao cấp, có lẽ, thế hệ trẻ cần phải đến các viện bảo tàng.
Trong khi đó, một số người trẻ không mặn mà với Seiko. Anh Trần Duy Nguyên (Minh Khai – Hà Nội) kể anh được “thừa kế” chiếc đồng hồ Seiko mà bố anh mua được từ thời bao cấp. Anh vẫn giữ chiếc đồng hồ cẩn thận vì đó là kỷ niệm của bố chứ không phải vì đó là Seiko.
Thế nên “chiếc đồng hồ đã được tôi để vào trong tủ từ lâu lắm rồi. Có lẽ đã vài năm tôi không động tới. Thế mà hôm nay bỏ ra xem, đồng hồ vẫn chạy tốt lắm” – Anh Nguyên vừa ngắm nghía chiếc đồng hồ vừa chia sẻ.
Còn một nơi khác mà Seiko có cơ hội xuất hiện. Đó là các trang rao vặt trên Internet. Thỉnh thoảng, cư dân mạng lại thấy một vài chiếc đồng hồ Seiko cũ xuất hiện. Mục đích của những người giới thiệu Seiko chủ yếu là hút khách. Họ muốn nhờ Seiko cũ “PR” cho các dòng Seiko mới.
Hiếm hơn là một số người rao bán Seiko cũ. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra rất ít và không “sốt”. Vì vậy, giá một chiếc đồng hồ cũ cũng chỉ là vài trăm ngàn đồng. Có thể thấy, hiện tại, những chiếc Seiko cũ thời bao cấp có “đời sống” khá bình lặng.
Bảo Linh
Bình luận