Thời gian qua, các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La liên tiếp xảy ra động đất. Đặc biệt, trận động đất trưa 27/7 ở Sơn La với độ lớn 5.3 gây rung lắc các toà nhà cao tầng ở Hà Nội, khiến nhiều người lo lắng.
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, những trận động đất vừa xảy ra ở các tỉnh Tây Bắc là điều bình thường, phù hợp với quy luật và không có đột biến.
Theo ông Triều, hoạt động động đất có chu kỳ nhất định, thường trong một khu vực sẽ có một thời gian không xảy ra động đất được gọi là thời kỳ yên tĩnh động đất. Đây là thời ký tích lũy năng lượng trong vỏ Trái đất, khi năng lượng tích luỹ đến mức tối đa sẽ chuyển sang khoảng thời gian có động đất liên tục, được gọi là thời kỳ động đất tích cực.
"Khu vực Tây Bắc nước ta cũng vậy, có thời gian yên tĩnh và thời gian hoạt động mạnh. Và từ năm 1996, sau trận động đất Mường Luân đến nay cho thấy đã bắt đầu vào giai đoạn hoạt động tích cực", ông Triều nói.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, thực chất các trận động đất thời gian qua không hẳn là các trận động đất khác nhau ở cùng một nơi mà chỉ có một trận động đất chính, các trận động đất tiếp theo sau đó được coi là các dư chấn của trận động đất chính.
"Chẳng hạn như những trận động đất liên tiếp ở Mường Tè (Lai Châu) vừa qua thực chất chỉ có một trận động đất chính, các trận động đất dư chấn vẫn kéo dài đến bây giờ nhưng có cường độ nhỏ nên chỉ máy móc mới phát hiện ra. Tương tự là động đất ở Mộc Châu (Sơn La) hôm 27/7 thì cũng chỉ có một trận chính, các trận sau đó chỉ là dư chấn", ông Triều nói.
Lượng nước tích ở các thuỷ điện vùng Tây Bắc hiện nay không lớn đến mức có thể gây ra động đất kích thích, các trận động đất vừa qua hoàn toàn chỉ là động đất tự nhiên".
PGS.TS Cao Đình Triều
Trả lời về ý kiến cho rằng ảnh hưởng của mưa lũ, việc tích nước ở các hồ chứa thủy điện có thể là yếu tố dẫn đến các trận động đất, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, thực chất, ở các hồ chứa thuỷ điện lớn, khi lượng nước tích trữ quá cao có thể gây ra động đất kích thích cho các khu vực lận cận.
Như ở Trung Quốc thời gian qua, nước lũ ở sông Trường Giang dâng cao, mực nước tích ở đập Tam Hiệp quá cao so với bình thường tạo ra áp lực và gây nên động đất kích thích.
Tuy nhiên, đối với khu vực Tây Bắc của Việt Nam hiện nay, ông Triều cho rằng các trận động đất vừa rồi không có khả năng liên quan đến mưa lũ và các hồ chứa, đập thuỷ điện mà chỉ là các trận động đất tự nhiên.
"Khu vực Lai Châu, Sơn La nằm trên đứt gãy sông Đà, khu vực được các chuyên gia khoanh vùng và dự báo là có nguy cơ xảy ra động đất cao, không liên quan đến các hồ chứa.
Thực tế lượng nước tích ở các thuỷ điện vùng Tây Bắc hiện nay cũng không lớn đến mức có thể gây ra động đất kích thích. Các trận động đất vừa qua hoàn toàn chỉ là động đất tự nhiên", ông Triều nhận định.
"Khu vực Tây Bắc trước đây cũng từng xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa dâng cao, chẳng hạn năm 2014 đã có trận động đất có độ lớn 4.3 ở khu vực Sơn La, Hoà Bình năm 1989 có động đất với độ lớn 4.9… Tuy nhiên, động đất kích thích ở các hồ ở khu vực Tây Bắc không kéo dài, chỉ hoạt động một thời gian rồi tắt dần", ông Triều biết thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, khu vực Sơn La, Lai Châu nằm trên đứt gãy sông Đà, hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra thời gian qua là điều bình thường, không có gì đặc biệt.
"Thường động đất có độ lớn 5.3 như trận động đất trưa 27/7 có thể sẽ kéo theo các dư chấn là nhiều trận động đất tiếp theo, điều này là bình thường", ông Xuân Anh nói.
Nói về khả năng động đất liên quan đến mưa lũ và hoạt động của các hồ chứa thuỷ điện, ông Xuân Anh cho biết, các hồ chưa thuỷ điện có thể liên quan đến động đất, tuy nhiên hiện nay, các số liệu đo đạc, theo dõi của Viện chưa minh chứng việc động đất vừa qua ở Lai Châu, Sơn La có liên quan đến các hồ chứa thuỷ điện.
Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Clip: Cả nhà nháo nhào bỏ chạy khi động đất rung lắc mạnh ở Mộc Châu
Bình luận