“Tôi nghĩ việc lập hồ sơ theo dõi là việc chúng ta cần phải tính đến”, ông Trump tuyên bố trên kênh CBS khi được hỏi rằng liệu việc lập hồ sơ người Hồi giáo ở Mỹ có phải là một phần trong kế hoạch chống khủng bố của ông không.
“Tôi rất ghét việc phải lập hồ sơ như thế này nhưng chúng ta vẫn phải làm vì đây là việc mà nhiều quốc gia khác cũng làm”, ông Trump nói và khẳng định: “Đây vẫn chưa phải là biện pháp tệ nhất”.
Đổ hết lỗi cho người Hồi giáo
Đề xuất trên của ứng viên Tổng thống mặc định của Đảng Cộng hòa Donald Trump được đưa ra chỉ một tuần sau vụ xả súng tại một hộp đêm ở Orlando khiến 49 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương.
Kẻ xả súng được xác định là tên Omar Mateen, 29 tuổi, một người Hồi giáo đang sinh sống gần Fort Pierce. Tên này cũng đã bị cảnh sát tiêu diệt trong vụ xả súng được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ.
Ngay sau vụ thảm sát nói trên, ông Trump đã tự lên tiếng “ca ngợi” bản thân: “Tôi rất cảm kích vì những lời chúc mừng vì tôi đã đúng khi nói về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Tuy nhiên, tôi không muốn nhận những lời chúc như vậy. Điều tôi muốn là sự cứng rắn và tỉnh táo. Chúng ta cần phải hành động thật thông minh”.
Sau đó một ngày, trong bài phát biểu của mình tại New Hampshire, ông Trump đã nhầm lẫn khi khẳng định rằng hung thủ Mateen “sinh ra ở Afghanistan”.
“Sự thật là, đã có rất nhiều người Hồi giáo quá khích hiện diện tại Mỹ do chính sách an ninh yếu kém của chúng ta trong quá khứ. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là mọi chuyện sẽ rất dễ giải quyết nếu chúng ta không chấp nhận việc tiếp nhận những kẻ chỉ mang đến thêm rắc rối cho nước Mỹ”, ông Trump nói.
Sẵn sàng đổi giọng khi cần thiết
Hồi tháng 11/2015, sau khi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris diễn ra, tỷ phú Mỹ Donald Trump cũng đã lên tiếng kêu gọi cấm toàn bộ người Hồi giáo đặt chân đến Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump cũng đề xuất thiết lập một cơ sở dữ liệu về người Hồi giáo sống trên đất Mỹ cũng như mở rộng diện theo dõi đối với “một số nhà thờ Hồi giáo tại Mỹ”.
Tuy nhiên, tháng trước, khi vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ Thị trưởng London Sadiq Khan, ông Trump đã lên tiếng “xoa dịu” rằng, đề xuất cấm người Hồi giáo của ông “chỉ là lời gợi ý trong thời gian Mỹ tìm ra cách thức đối phó phù hợp”.
Dù vậy, ông Donald Trump sẵn sàng “xoay 180 độ” và lại lên giọng cứng rắn với người Hồi giáo: “Chúng ta cần xem xét việc lập hồ sơ [theo dõi người Hồi giáo-ND]. Chúng ta phải xem xét nghiêm túc việc này”.
Thậm chí, ông Trump còn lên tiếng cho rằng, số người thiệt mạng trong vụ Orlando lẽ ra đã “thấp hơn rất nhiều” nếu những người có mặt tại hộp đêm đó đều mang súng.
“Nếu những viên đạn bay theo hướng đối diện và nhắm vào kẻ xả súng xuất hiện ở hộp đêm thì có lẽ mọi chuyện vẫn tệ nhưng không đến nỗi trở thành một vụ thảm sát mà chúng ta phải gánh chịu”, ông Trump nói.
Những tuyên bố tương tự từng được ông Trump đưa ra sau các vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California và Paris. Thậm chí, trong bài phát biểu của mình ở Phoenix ngày 19/6, ông Trump cũng không quên nhắc lại.
“Nếu mọi người đều dắt súng ở hông hoặc trong bao đeo súng quanh đùi và sẵn sàng nổ súng vào “con thú” [gây ra vụ xả súng ở Orlando] thì kết cục đã hoàn toàn khác”, ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ Wayne LaPierre lên tiếng cho rằng, ông không muốn mọi người khi đến các hộp đêm đều phải kè kè súng bên mình.
“Tôi không nghĩ rằng, họ phải mang súng theo mình khi đi uống rượu”, ông LaPierre nói: “Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo mọi người dân Mỹ rằng, họ cần lên kế hoạch để tự bảo đảm an ninh cho bản thân. Chúng ta cần phải có đủ khả năng bảo vệ mình trước nguy cơ bị tấn công”.
Bình luận