• Zalo

Đón Tết trong ngôi nhà 5m2: Đi phải bò, thay quần áo phải nằm

Thời sựThứ Ba, 09/02/2016 11:31:00 +07:00Google News

Anh Xuân muốn di chuyển quanh nhà thì phải bò hoặc đi bằng đầu gối, muốn thay áo anh phải quỳ, thay quần thì chỉ có cách nằm sõng xoài ra giữa nhà.

Anh Xuân muốn di chuyển quanh nhà thì phải bò hoặc đi bằng đầu gối, muốn thay áo anh phải quỳ, thay quần thì chỉ có cách nằm sõng xoài ra giữa nhà.

Căn nhà chỉ có thể quỳ bò

Trái với vẻ ngoài hào nhoáng, sầm uất ở mặt tiền phố cổ, sâu trong con ngõ 44 Hàng Buồm là những căn nhà vỏn vẻn trên dưới 10m2. Bước chân vào ngõ, nơi đây như biến thành một căn hầm thực sự.

 Ngõ 44 Hàng Buồm sâu hun hút, tối om

Nhà anh Xuân là nhà có diện tích nhỏ nhất, rộng 5m2, chiều dài 2,64m, chiều ngang 2,5m, chiều cao 1,1m. Gọi là nhà nhưng giống cái gác xép hơn, người ở trong chỉ có thể nằm hoặc ngồi, thậm chí quỳ bò mỗi khi di chuyển. Đã mấy chục năm nay, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời, sóng điện thoại cũng mất.

Anh Xuân vẫn thường nói vui: “Nhà tôi phải được đưa vào kỉ lục Guinnes: Ngôi nhà có diện tích nhỏ nhất thế giới" .

 Anh Hoàng Văn Xuân (53 tuổi) trong căn nhà cao 1,1m của mình.

Nếu không được chỉ đường, chắc khó có ai có thể tưởng tượng được có một căn nhà như vậy tồn tại. Để lên được nhà phải trèo qua một đoạn tường cao gần 2m. Xung quanh chằng chịt dây điện, cũng không có cửa ra vào.

“Trèo lên cẩn thận đấy không ngã... Xuống để ý xem có ai không, kẻo lại giơ chân vào đầu người ta, người ta mắng cho” – lời nhắc nhở của anh Xuân mộc mạc mà có gì đó xót xa về cái khó của căn nhà nhỏ trên lối đi bộ.

Lối vào nhà anh Xuân. Muốn vào nhà phải 'đánh vật' với 'cầu thang' không giống ai. 

Trong nhà, ngoài một số vật dụng thiết yếu như tivi, quạt, nồi cơm điện,... gia đình anh không dám sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để. Quần áo anh cũng chỉ có vài bộ được treo trên mắc cho tiết kiệm diện tích.

Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài nhiệm vụ nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh. Nấu thức ăn thì phải xuống sân tập thể của ngõ để làm. Mọi thứ từ rửa rau, rửa bát, vo gạo tất tật đều ở cái bể nước công cộng ấy.

Di chuyển trong nhà bằng đầu gối. 

Di chuyển trong căn nhà 5m2 mới thực sự là bi hài. Thường thì anh di chuyển quanh nhà bằng cách bò hoặc đi bằng đầu gối. Muốn thay áo thì phải quỳ, thay quần thì chỉ có cách nằm sõng xoài ra giữa nhà.

Anh Xuân tâm sự: "Tổng căn nhà chưa tới 10m2 do ông cha để lại, nhưng mỗi anh em được chia một phần nên mới nhỏ như vậy. Nhà nào có điều kiện thì mua nhà, không thì thuê nhà hoặc đi ở rể. Nhà chật chội lại thấp, sinh hoạt bất tiện lắm. Tôi cũng mơ tới một chỗ rộng hơn, nhưng hàng ngày sống lay lắt bằng nghề chạy xe ôm, thực sự lực bất tòng tâm".

Trần nhà ẩm thấp, bong tróc từng mảng. 

Không chỉ bất tiện, chật chội mà căn nhà nơi anh đang ở bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một bên tường của căn nhà giáp với bể phốt, bên kia giáp với bể nước của nhà hàng xóm nên tường ẩm mốc, trần nhà cũng bong tróc hết cả.

Những ngày mưa rét nhà bị dột không thể ngủ nổi. Không những vậy, trong ngõ hàng chục hộ gia đình dùng bếp than tổ ong để nấu nướng, ngoài ngõ là hàng bán bún chả thi nhau nhả khói bay vào trong khiến cho không khí căn nhà càng trở nên nghẹt thở.

Muốn lên được nhà phải khéo léo trèo bằng cách bám vào những thanh sắt gắn chặt trên tường.

Con trai anh Xuân là Hoàng Xuân Thủy, sinh viên trường Cao đẳng du lịch. Từ ngày vợ bỏ đi, anh một mình sống trong căn nhà chật chội cùng cậu con trai. Anh kể: “Từ nhỏ đến lớn em nó chưa có cái bàn học cho thật đàng hoàng vì không tìm đâu ra chỗ kê. Nhà nghèo, sinh hoạt khó khăn nhưng em ngoan mà chăm học, chăm làm lắm. Bạn bè cùng lớp cũng hay đến chơi, nhiều bạn thông cảm, nhưng lớn dần em nó cũng ngại nên chuyển ra ở với mẹ...”

Thêm một cái tết buồn

Nhà là nơi để về. Ấy vậy mà nhiều khi vất vả cả ngày ngoài đường anh Xuân cũng không muốn về lại căn nhà. Nhà anh giờ chỉ là chỗ để ngủ, đến bữa anh ra quán ăn cơm bụi cho xong.

Một tháng trở lại đây, con trai anh về ở với anh, anh mừng lắm: “Em nó thương bố nên Tết về cho bố đỡ buồn. Giờ tối có hai bố con cùng nhau nấu cơm ăn, cũng đỡ cô đơn”.

 

 Tủ đồ đơn giản hết mức của bố con anh Xuân.

Cái Tết của hai người đàn ông trong căn nhà nhỏ giản tiện tới mức đáng kinh ngạc. Nhà không hoa, cũng không sơn sửa gì vì sơn xong cũng bị bong tróc, ẩm ướt, anh cứ kệ vậy sống cho qua ngày.

Giọng anh buồn buồn: “Đã lâu rồi tôi không biết mùi cái Tết nó như thế nào nữa, tôi chỉ thương con. Ngày thường cũng như ngày Tết, nó chẳng dám mời ai về nhà cả vì ngại nhà chật chội, lấy đâu ra chỗ mà ngồi".

 

Tết đến, bạn bè, hàng xóm cũng chẳng ai đến vì không có chỗ, anh em cũng chỉ đến chốc lát, thắp hương cho bố mẹ rồi lại đi. Anh tranh thủ chạy xe ôm cả trong những ngày Tết để kiếm thêm chút tiền.

Mỗi ngày, với đồng lương chạy xe ít ỏi năm chục, một trăm, anh không dám mơ đến việc thuê nhà chứ chưa nói đến việc mua nhà nơi khác. Cuộc sống khó khăn, nhưng anh Xuân vẫn luôn cảm thấy được an ủi khi người con trai ngoan ngoãn.

Bây giờ anh chỉ mong ước chính quyền có phương án giúp đỡ cho anh có thể thoát khỏi hoàn cảnh này, để cuộc sống của anh bớt khó khăn.

Nguồn: Kiều Ly - Ảnh: Lê Anh Dũng (Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn