• Zalo

Đòn hiểm Trung Quốc dùng để đấu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Thế giớiThứ Sáu, 13/07/2018 15:55:00 +07:00Google News

Các mức thuế quan Mỹ liên tục áp đặt cho Trung Quốc tạo cho Bắc Kinh cơ hội sát cánh với các nước khác chống lại Mỹ, đồng thời mang đến cho quốc gia châu Á vị thế đi đầu trong thương mại tự do, theo SCMP.

Hôm 10/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo lên một nấc thang mới khi tuyên bố chuẩn bị áp gói thuế 10% lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm. 

Mức thuế quan mà Mỹ áp lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, theo SCMP, sẽ gây ra “cơn đau” ngắn hạn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. 

anh_15166324_2762018

Mức thuế quan mà Mỹ áp lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gây ra “cơn đau” ngắn hạn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, việc Mỹ áp đặt mức thuế quan lên các đồng minh và đối thủ ở mức ngang nhau, cùng với việc Washington bị cáo buộc làm suy yếu WTO khiến Trung Quốc có cái cớ để kéo các đối tác thương mại khác của Mỹ về phía mình nhằm tạo nên một khối chung chống Mỹ. 

Trên thực tế, nhiều đối tác của Washington như EU đã không ít lần tỏ ra bất bình trước các chính sách thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh thừa hiểu rằng họ cũng hết sức bất mãn trước chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, đặc biệt là khi Tổng thống Trump áp thuế thương mại với các đồng minh lâu năm và liên tục đòi hỏi các thành viên NATO phải đóng góp nhiều hơn vào chi phí quốc phòng.

Trung Quốc coi đó như một cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác với EU để đối phó với Mỹ. Nhưng có vẻ các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thực sự mặn mà với đề nghị này khi thẳng thừng bác bỏ đề nghị thành lập liên minh đối trọng với Mỹ của Bắc Kinh. 

Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra như thế nào? (Nguồn: SCMP)

Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn không nản lòng mà tiếp tục tìm cách chứng minh họ thực sự chân thành khi mở cửa nền kinh tế. Động thái mới nhất chứng tỏ điều này là việc Trung Quốc đồng ý để tập đoàn hóa chất BASF của Đức xây khu phức hợp khổng lồ ở tỉnh Quảng Đông với quyền sở hữu 100%. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay sau đó ngợi khen hành động trên, nói điều này cho thấy Trung Quốc đang thực sự mở cửa thị trường chứ không chỉ là nói suông. Phát biểu này như một gáo nước lạnh dội vào tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ rằng lời hứa mở cửa của Bắc Kinh chỉ là một trò đùa. 

Có thể thấy Trung Quốc đã xác định rất rõ ràng hướng đi khi căng thẳng thương mại với Mỹ đang diễn biến ngày một căng thẳng. Đó là tăng cường các mối quan hệ hiện có, giảm rào cản thương mại với các đang phát triển và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn