(VTC News) - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định chưa phát ngôn khẳng định sự không liên quan của xả lũ thủy điện với đợt lũ miền Trung vừa qua. Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận không "nắm rõ kỹ thuật" và "hẹn" ĐBQH sẽ trả lời sau về sự độc hại trong quá trình khai thác bô xít...
Sáng nay (22/11), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Chiếm phần lớn nội dung chất vấn là các câu hỏi xung quanh vấn đề điện, bô xít.
Hồ thủy điện xả lũ: "Vô can hay không vô can"?
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thẳng thắn nêu: cử tri rất bức xúc cho rằng, đợt lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung vừa qua vì xả lũ tại các công trình thủy điện nên ảnh hưởng đến người dân. Theo đó, ở phần báo cáo trước Quốc hội về nội dung này thì “Bộ trưởng trả lời rất chung chung, cho rằng việc xả lũ là... vô can không ảnh hưởng gì đến lũ lớn tại Trung Bộ, Bộ trưởng cũng không đưa ra những số liệu cụ thể cho nhận định này”.
Theo ĐB Hương, trong lúc đang mưa lũ mà các hồ thủy điện xả lũ càng làm cho nước lũ dâng lên, theo đó ĐB Hương đề nghị Bộ trưởng Công thương “cho cử tri biết một cách thuyết phục nếu Bộ trưởng khẳng định việc xả lũ là... vô can?”
Về chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ngay: “Tôi chưa có một câu trả lời nào khẳng định sự không liên quan của việc xả nước tại các hồ thủy điện nhỏ”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: TTXVN) |
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng cũng chia sẻ những thiệt hại của đồng bào Trung Bộ trong đợt lũ lụt vừa qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng làm rõ: khi phát triển thủy điện nhỏ, toàn quốc có hơn 200 dự án và hiện đang triển khai 90 dự án. Theo đó, ở Tây Nguyên và miền Trung do sông có độ dốc lớn, mùa khô thì cạn, mùa mưa thì nước lên nhanh nên phần lớn các dự án thủy điện nhỏ tại miền Trung không có chức năng điều tiết lũ - nên vừa qua, Bộ Công thương đã đưa một số dự án thủy điện nhỏ tại miền Trung tham gia điều tiết lũ.
“Tuy nhiên, vừa qua, một số nhà máy thủy điện vận hành chưa đúng, ví như thủy điện Ba Hạ khi xả lũ đã báo cáo Ban chỉ đạo PCLBTW và Ban chỉ huy PCLBTW tỉnh nhưng lại không báo cáo với UBND tỉnh – đó là sơ sót! Tập đoàn điện lực Việt Nam đã kiểm tra, xác định nguyên nhân và sẽ xử lý theo quy định hiện hành nếu có sai phạm”.
Người đứng đầu Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, nếu như các công trình thủy điện tuân thủ đúng quy định của Nhà nước thì chắc chắn sẽ hạn chế được thiệt hại gây ra.
Theo đó, quan điểm của Bộ Công thương đối với thủy điện nhỏ tại Trung Bộ là tiếp tục rà soát, nếu thấy dự án thủy điện nào không tham gia vào phát triển kinh tế địa phương mà lại có tác động ảnh hưởng tới môi trường thì kiên quyết dừng dự án. Bộ trưởng Hoàng dẫn chứng, vừa qua cũng đã có 38 dự án thủy điện tại miền Trung bị thu hồi và sắp tới nếu có dự án nào không đủ tiêu chí sẽ tiếp tục thu hồi.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án thủy điện, theo Bộ trưởng Hoàng, chủ đầu tư cũng phải tham gia bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra sai phạm (như tái trồng rừng, đền bù cho người dân bị thu hồi đất làm dự án theo nguyên tắc tái định cư thuận lợi, mức sống trên mức trung bình so với vùng bị thu hồi...). Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện đúng quy định sẽ có biện pháp xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) chất vấn, lý do cho việc phát triển thủy điện của nước ta trong thời gian qua, có hay không việc “quá coi trọng thủy điện mà xem nhẹ các hình thức sản xuất điện khác?”
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nước ta được đánh giá có tiềm năng về thủy điện lớn, cung cấp tới 30.000 MW. Cùng với đó, hệ thống sông, nhất là sông phía Bắc (sông Đà, sông Lô, sông Hồng) thì việc phát triển thủy điện vừa và lớn góp phần cắt giảm lũ cho hạ du và cung cấp nước vào mùa kiệt cùng với việc cung cấp điện; Còn ở phía Nam ta có một số công trình thủy điện vừa, góp phần thực hiện cung cấp nước cho mùa kiệt và tham gia phát điện (Trị An, Ialy); Riêng thủy điện miền Trung, việc giải quyết nhu cầu điện không lớn, nhưng năng lực thủy điện được coi là sạch, là tái tạo nên vấn đề ở chỗ phải khắc phục mặt trái của thủy điện.
“Không có nghĩa thời gian qua ta quá quan tâm đến thủy điện mà xem nhẹ các hình thức điện khác, thực tế ta cũng đang quan tâm đến điện bằng dầu, thủy điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 sẽ giảm việc phát triển thủy điện chỉ còn 30%, trong khi những năm 70-80 thủy điện chiếm 34% tổng công suất điện.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, trong tương lai sẽ phát triển điện than, khí, điện hạt nhân.
Bô xít: “Xin lỗi, tôi sẽ trả lời sau khi tham khảo chuyên gia”
Một nội dung được đông đảo cử tri cả nước quan tâm là tính an toàn của việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên cũng được các ĐBQH đặt ra với người đứng đầu Bộ Công thương trong phiên chất vấn.
ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thắc mắc, việc điều chế alumin và khai thác bô xít tại Tây Nguyên đang gây ra nhiều tranh cãi vì khai thác alumin phải ở nơi “thừa nước, thừa điện” trong khi ta đặt nhà máy ở địa bàn “thiếu nước, thiếu điện”?
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc quyết định địa điểm xây dựng nhà máy được Chính phủ cân nhắc rất kỹ và báo cáo Bộ Chính trị, theo đó, nếu chỉ thuần túy về kinh tế thì đúng là đặt nhà máy alumin ở vùng có nhiều nước thì hiệu quả cao hơn, nhưng “chúng ta còn xem xét hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội và tác động lan tỏa của dự án”.
Theo Bộ trưởng Hoàng, Bộ Chính trị và Chính phủ thấy rằng, vì lợi ích của đồng bào địa phương và cộng đồng dân cư tại đó phải hy sinh nhiều cho dự án nên cũng có nhu cầu chính đáng mà dự án phải mang lại là lao động, công ăn việc làm cho người dân.
Bộ trưởng Hoàng cũng nhấn mạnh, Chính phủ quyết định đặt nhà máy sản xuất alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ đã tính đến vấn đề đủ nước cho cả hai nhà máy và cho người dân trên địa bàn.
ĐBQH Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: VNN)
Liên quan đến việc khai thác bô xít, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) lên tiếng: hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn không đồng tình và “chưa yên tâm” với vấn đề an ninh, với sự độc hại do bùn đỏ, và sự nghi ngờ khả năng an toàn trong quá trình xử lý khai thác bô xít.
ĐB Dũng hỏi: “Bộ trưởng có thực sự tin tưởng dự án này có hiệu quả kinh tế hay không? Việc phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái hay trồng cây công nghiệp ở vùng này theo tôi là không khả thi – trong khi độc hại thì người dân địa phương phải chịu”.
Về vấn đề an ninh khi khai thác bô xít, Bộ trưởng Hoàng nêu rõ, khai thác bô xít được xem là công trình quan trọng về an ninh quốc gia, do đó, việc đảm bảo an ninh quốc gia với công trình này phải được đảm bảo hơn, nghiêm ngặt hơn so với các công trình khác.
Về hiệu quả kinh tế, Bộ Công thương được Chính phủ giao thẩm định về hiệu quả nên đã mời 18 nhà khoa học cùng tham gia vào nghiên cứu hiệu quả của dự án. Theo đó, căn cứ vào số liệu thẩm định như thuế xuất khẩu (20%), phí môi trường (30.000 đồng/tấn), giá alumin, vốn đầu tư, chi phí vận chuyển… được Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra, xem xét cho thấy: việc thu hồi vốn là có hiệu quả!
Trước ý kiến của ĐB Nguyễn Lân Dũng về sự độc hại do khai thác bô xít đem lại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “hẹn” sẽ trả lời ĐB sau khi tham khảo các chuyên gia vì câu hỏi thuần túy về kỹ thuật, trong khi Bộ trưởng thừa nhận là “không nắm kỹ về kỹ thuật”!
Chiều nay (22/11), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ có thêm 1 giờ đồng hồ để tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH. Tiếp sau đó là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu xung quanh các nội dung như giảm tải các bệnh viện tuyến trên; phát triển công nghiệp dược; quản lý, sản xuất, chất lượng, giá cả thuốc; vấn đề tăng viện phí và dịch bệnh gây ô nhiễm trong hoạt động y tế và vấn đề phòng chống HIV AIDS. |
Kiều Minh (lược ghi)
Bình luận