Trong thành phần của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (2.2) đang triển khai huấn luyện để thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan, có 2 thành viên đặc biệt, đó là cặp vợ chồng Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân. Tính đến thời điểm này, đây là cặp vợ chồng đầu tiên cùng tham gia Bệnh viện dã chiến.
“Thương con nhưng không cho phép mình bi lụy”
Là một trong số 12 nữ quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến 2.2, Đại úy Lê Thị Hồng Vân, 32 tuổi, bác sĩ phẫu thuật sản khoa của Bệnh viện 103, vừa được điều động bổ sung. Lúc mới nhận lệnh, chị Vân khá bất ngờ bởi chồng chị - Trung úy Lê Hồng Thanh, 36 tuổi, cũng đang tham gia huấn luyện tại Bệnh viện số 2 này.
Từ lúc được lãnh đạo Học viện Quân y gặp gỡ, hỏi thăm, động viên cho đến khi Vân nhận mệnh lệnh tham gia chưa đầy 3 tuần. Nhớ lại khoảng thời gian phải dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định tham gia, Vân cho biết, cái khó của chị cũng là cái khó chung của rất nhiều chị em trong Bệnh viện dã chiến số 2, đó là gánh nặng con cái, gia đình.
Khó khăn ấy đối với chị Vân dường như còn lớn hơn bởi cả hai vợ chồng cùng nhận lệnh tham gia bệnh viện. Trong khi đó, cô con gái nhỏ của anh chị chưa đầy 30 tháng, vẫn đang bú mẹ. Bên nhà chồng neo người, bố chồng mất sớm, chỉ còn mẹ chồng, anh Thanh lại là con trai duy nhất, nên khi mẹ chồng chị biết chuyện đã rất sốc.
“Trăn trở lớn nhất lúc đó đối với tôi là con gái còn nhỏ, nhưng tôi nghĩ, nếu không đi bây giờ, sau này con lớn hơn mình mới đi thì con sẽ vất vả hơn, bởi khi bắt đầu đi học, con không thể thiếu sự quan tâm, dạy bảo của người mẹ. Không đi đợt này, tôi cũng sẽ phải đi đợt khác, bởi vị trí bác sĩ sản khoa bắt buộc phải là nữ rất khó để tìm người đáp ứng đầy đủ các điều kiện”, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân nói, có thể suy nghĩ của chị khác với nhiều người, bởi khi con còn đang trong tuổi ăn tuổi chơi, đứa trẻ sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác nhớ mẹ. Ở nhà với sự quan tâm chăm sóc của ông bà nội ngoại, thời gian 1 năm sẽ trôi qua nhanh. Chứ để con đến tuổi vào lớp 1, đã nhận thức được nhiều hơn, khi đó mẹ con xa nhau sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Sau một thời gian tâm sự, giải thích để mẹ chồng hiểu và thông cảm, chị Vân cũng đã nhận được sự động viên từ bà, người phụ nữ cũng từng tham gia quân đội. Bà cũng hiểu rằng “đi lính thì phải gác”, việc thực thi nhiệm vụ của một quân nhân là hết sức bình thường. Chị Vân chia sẻ, bố mẹ chồng chị đều từng tham gia bộ đội, sau này đến lượt anh Thanh chồng chị nối nghiệp gia đình, và như một cái duyên, chị Vân về làm dâu con trong nhà, cũng có gần 14 năm phục vụ trong quân đội.
Chị Vân xác định tham gia bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan là một nhiệm vụ quốc tế mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Vì thế, từng cá nhân khi đã được giao phó trách nhiệm phải nỗ lực hết sức mình mới mang lại thành công của cả tập thể. Để có được thành công đó, mỗi người đều phải sắp xếp công việc gia đình, riêng tư, tập trung trau dồi chuyên môn để có thể làm tốt nhất vị trí của mình, những vị trí đã được LHQ tính toán, sắp xếp, bố trí một cách hợp lý nhất. Những khó khăn chị Vân và các đồng đội sẽ gặp phải, như nước có thể không đủ để uống, nước sạch không đủ để dùng, mọi thứ đều không thể như ở nhà... sẽ chẳng là gì nếu các thành viên cùng nỗ lực vượt qua và chia sẻ với nhau.
Coi nhiệm vụ lần này của mình cũng giống như nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, chỉ là chị và các đồng đội sẽ đến một nơi xa lạ, chị Vân bày tỏ, đồng thời khẳng định, để có thể “mạnh mẽ bước chân đi”, không nên suy nghĩ quá nhiều, không thể để trong đầu những suy nghĩ bi lụy.
“Mình luôn chắc chắn với suy nghĩ con ở nhà sẽ ổn, ông bà nội ngoại cũng thế, thì không có lý gì mình không thể mạnh mẽ. 18 tuổi bố mẹ đã cho mình đi bộ đội, 10 năm sống, học tập và làm việc trong môi trường quân đội đã rèn cho mình sự mạnh mẽ, chắc chắn con mình ở nhà cũng sẽ mạnh mẽ bởi còn rất nhiều người thân ở bên cạnh. Thậm chí mình còn nghĩ ngày lên đường, mình cũng không cho con bé đi tiễn mình, có thể nó sẽ làm cho mình xúc động, mềm yếu. Không chỉ có mình xa gia đình mà 63 anh chị em khác cũng đều như mình cả. Đồng đội làm được, không lý gì mình lại không”, chị Vân quả quyết.
Chị Vân được đánh giá là một trong số các nữ quân nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu của LHQ có bằng chuyên khoa, bằng thạc sĩ, chứng chỉ tiếng Anh IELTS mức 5.0.
“Chỉ mong con khỏe mạnh để bố mẹ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ”
Khác với chị Vân, là nam giới nên anh Thanh dễ dàng hơn khi đối mặt với thực tế hai vợ chồng có thể phải xa con trong 1 năm để sang Nam Sudan. Anh Thanh khẳng định, đến lúc này, cả hai vợ chồng đều đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chỉ mong con gái ở nhà khỏe mạnh để bố mẹ có thể yên tâm lên đường. Để có được sự quyết tâm đó, anh Thanh phải tìm nhiều cách để động viên vợ.
Hai vợ chồng có điểm chung là tham gia quân đội từ sớm (vợ đã có gần 14 năm, còn chồng khoảng 17 năm) nên việc động viên, làm công tác tư tưởng giữa hai “người lính” với nhau cũng không quá khó khăn.
“Mình biết để nhận nhiệm vụ này, Vân đã phải trải qua những thời điểm khá khó khăn, phụ nữ nào chả vậy, làm sao có thể sống xa con, đặc biệt khi con còn nhỏ như thế. Đến giờ, dù bên ngoài, Vân luôn tỏ ra cứng rắn mạnh mẽ, nhưng bên trong mềm yếu lắm. Mình phải xác định với vợ rằng việc hai vợ chồng có thể cùng đi tuy sẽ là thiệt thòi với con nhưng cũng sẽ khiến con sớm trưởng thành và cứng cỏi hơn”, anh Thanh chia sẻ.
Vì công việc của bố mẹ nên cháu bé phải đi học khá sớm. Ngay từ những buổi đầu đi học, bố hoặc mẹ chỉ đưa đến trường, còn con tự xách đồ lên lớp ở tầng 3. Trong những lúc tâm sự nói chuyện, vợ chồng anh Thanh luôn để cho con hiểu rằng việc phải đến trường, phải đi học là một việc rất tự nhiên, để con chấp nhận một cách dễ dàng, vui vẻ. Anh Thanh có cảm giác, tuy con mới gần 30 tháng, nhưng có những chuyện anh nói con đều hiểu và rất hợp tác. Trước ngày Vân tham gia huấn luyện ở bệnh viện dã chiến 2.2, anh nói với con, mai mẹ phải đi trực, con ở nhà đi học với bố nhé, cháu gật đầu liền. Sáng hôm sau, cháu theo bố đến lớp không hề quấy khóc.
Với anh Thanh, được tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan là một sự tự hào rất lớn, không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình. Bởi sự đóng góp của anh Thanh chỉ là một phần rất nhỏ nhưng sẽ được hòa vào cùng với sự đóng góp của các đồng đội để tạo nên đóng góp to lớn của quân đội nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với thế giới.
Từng có thời gian công tác ở quần đảo Trường Sa nên đối với Thanh, chuyến công tác đặc biệt lần này sẽ giúp anh có thêm những trải nghiệm mới, một sự tự hào mới. "Chuyên gia nước ngoài có hỏi bọn em rằng tại sao lại tham gia bệnh viện này, em trả lời rằng điều đó giúp tôi mang lại sự tự hào cho con cái và gia đình" - anh Thanh chia sẻ.
Bình luận