Gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các điểm đổi tiền lẻ, tiền mới lì xì đã hoạt động rầm rộ với mức phí cao chót vót.
Trong khi tiền lẻ trong kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều thì ở các điểm đổi tiền lại kêu khan hiếm, hiện phí đổi tiền cao hơn 5%-10% so với năm trước, có nơi chênh lệch lên đến 80%.
“Chợ đen” nhộn nhịp
Chúng tôi liên lạc với một điểm đổi tiền lẻ gần Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM), nam thanh niên tên Trung cho biết năm nay tiền mệnh giá 200 đồng gần như không có, trong khi mệnh giá tiền 500 đồng mức phí được đẩy lên 80% (tức muốn đổi 100.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng phải tốn 80.000 đồng phí).
Trung lý giải những năm trước tiền lẻ mệnh giá 200-500 đồng được Ngân hàng Nhà nước in nhiều nhưng chủ yếu phục vụ người dân đi chùa, đi lễ nên vài năm nay số lượng in không nhiều. “Tiền mệnh giá nhỏ khan hiếm, đầu vào chúng tôi đã lấy với giá cao, buộc phải thu phí cao. Tiền mệnh giá 500 đồng hiện đã có nhưng không nhiều, những nơi khác thì tôi cam đoan chưa có” - Trung khẳng định.
Anh David Trần, chủ một điểm đổi tiền có trụ sở trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết tiền mệnh giá 500 đồng, phí trả cho bên cung cấp đã hơn 30% nên không thể đổi cho khách thấp hơn mức này. Một số tiền mệnh giá khác như 10.000 đồng, 20.000 đồng đến giờ vẫn chưa chốt phí dịch vụ nhưng dao động từ 12%-20%.Gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ đang nóng lên
Nhiều điểm còn khuyến cáo nếu để đến cận Tết Nguyên đán thì phí dịch vụ rất cao. Chẳng hạn, với mệnh giá 500 đồng, gần Tết năm ngoái, phí đổi là 55% nhưng đến giáp Tết, nhu cầu tăng nên phí được đẩy lên 100% mà vẫn không đủ đáp ứng.
Trong khi đó, ở Hà Nội, các điểm đổi tiền tại Phủ Tây Hồ hầu như có mức giá chung là 130.000 đồng tiền cũ đổi được 100.000 đồng tiền mới nguyên xêri mệnh giá 1.000 đồng; 240.000 đồng tiền cũ mới đổi được 200.000 đồng tiền mới với mệnh giá 2.000 đồng. Với tiền nguyên cọc mệnh giá 500 đồng, muốn đổi 50.000 đồng phải mất tới 100.000 đồng, tức phí đổi tiền lên tới 100%.
Với tiền đã qua tay, dân buôn ở đây cho biết giá đổi cũng bằng tiền mới bởi hiện nguồn cung rất khan hiếm với tất cả các mệnh giá. Ví dụ, tiền 500 đồng đã qua tay thì phí đổi dao động từ 25%-30% nhưng nếu tiền qua tay vẫn còn mới thì phí vẫn có thể lên đến 40%.
Clip: Đổi tiền mới, tiền lẻ 'khó như lên giời'
Bà T., chủ một điểm đổi tiền lẻ tại đây cho biết đến thời điểm hiện tại, dân buôn tiền khu vực này vẫn chưa tìm được nguồn cung đổi tiền dịp Tết Nguyên đán mà hầu hết đang sử dụng nguồn tiền được đầu cơ từ những năm trước. “Không hiểu các ngân hàng năm nay có chính sách gì mới hoặc siết chặt quản lý không chứ với tình trạng này, chỉ có tiền đã qua tay để phục vụ nhu cầu đi lễ dịp trước Tết Âm lịch còn dịp lễ đầu năm thì chắc chắn không đủ tiền” - bà T. lo lắng.
Tại phố đổi tiền nổi tiếng Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phí đổi tiền cao hơn cả khu vực cổng chùa, đền. Ví dụ, phí đổi tiền nguyên xêri mệnh giá 1.000 đồng tại các khu vực khác chỉ 20%-30% song ở đây lên đến 40%. Khi chúng tôi hỏi tiền mệnh giá lớn hơn như 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng, dân buôn ở đây cho biết phí đổi dao động từ 5%-15% tùy mệnh giá và tùy thời điểm nguồn cung nhiều hay ít. Theo ghi nhận, mức phí này cao hơn so với năm trước ít nhất 5%, có mệnh giá cao hơn đến 10%.
Ngân hàng thương mại: Thiếu thốn
Trong khi thị trường “chợ đen” dịch vụ đổi tiền đã khởi động và rao bán nhộn nhịp thì phía ngân hàng thương mại lại khá yên ắng. Nhân viên một ngân hàng thương mại trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM cho biết đến giờ này vẫn chưa có thông tin gì về đổi tiền lẻ mới. “Giờ này đã có khách hỏi tiền mới. Có người gửi cả chục tỉ đồng ở ngân hàng nhưng đến Tết hỏi đổi tiền lẻ lại không có, không hiểu nguồn tiền ở thị trường tự do từ đâu ra” - nhân viên ngân hàng này than thở.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết hiện ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch triển khai đổi tiền lẻ cho khách hàng cũng như chưa đưa ra hạn mức đổi tiền cho nhân viên. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hề có chủ trương hay thông báo về việc “rót” lượng tiền bao nhiêu xuống các ngân hàng.
Cũng theo vị này, trong nhiều năm trở lại đây, lượng tiền lẻ in thêm và phát hành rất hạn chế nên chỉ ưu tiên đổi tiền cho khách có tài khoản ngân hàng, thậm chí chỉ khách VIP mới có cơ hội đổi tiền. Hạn mức dành cho nhân viên một số năm gần đây cũng không lớn, chỉ khoảng vài triệu đồng đến 20 triệu đồng/người, tùy vị trí, chức vụ.
“Ngân hàng không có tiền để tuồn ra ngoài cung cấp cho dân buôn. Dân đổi tiền đều có những mối hoặc “cò” gom tiền cung cấp chứ không thể đổi trực tiếp từ ngân hàng bởi ngân hàng chỉ đổi tiền rách cho dân chứ không đổi tiền lì xì, tiền đi lễ số lượng lớn” - vị này cho biết.
Nguồn tiền từ đâu ra?
Khi được hỏi, nhiều dịch vụ đổi tiền thừa nhận nguồn tiền không lấy từ ngân hàng mà từ Kho bạc Nhà nước. “Không phải nhân viên ngân hàng nào cũng có nguồn tiền mới tuồn ra ngoài để lấy phí dịch vụ, các điểm đổi tiền phải có mối riêng và thường từ kho bạc” - anh David Trần tiết lộ.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Chi cục Phát hành và Kho quỹ - Ngân hàng Nhà nước cho biết tiền mệnh giá nhỏ luôn có sẵn. Thậm chí, khi các ngân hàng thương mại đến nhận tiền từ Ngân hàng Nhà nước, thường chỉ chọn mệnh giá lớn nên các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng bị dồn ứ trong kho rất nhiều.
Những năm trước, tiền lẻ mới đưa ra dịp Tết thường được người dân đem cúng viếng chùa, đình, miếu… Sau đó, tiền lại quay về Ngân hàng Nhà nước chứ không đưa vào lưu thông nên gây lãng phí.
“Đến giờ chưa có chủ trương về việc đưa tiền lẻ mới ra thị trường dịp Tết hay không nhưng ngay thời điểm này, tiền lẻ đủ loại mệnh giá trong kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước vẫn rất nhiều và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân” - vị lãnh đạo này khẳng định.
Theo Người lao động
Bình luận